• Zalo

Bé trai nguy kịch do nội tạng chui lên lồng ngực

Tin tứcThứ Năm, 15/08/2024 14:23:19 +07:00Google News
(VTC News) -

Bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương phẫu thuật thành công cho bé trai Tr.Q.D (6 tuổi) bị thoát vị hoành bẩm sinh, thận lạc chỗ trên lồng ngực và phổi biệt lập.

Bé trai nhập viện sau nhiều lần bị nhiễm khuẩn hô hấp, xuất hiện cơn đau tức ngực kéo dài. Qua thăm khám, chụp X-quang, cắt lớp vi tính (CT) kết quả hình ảnh cho thấy, bé bị thoát vị cơ hoành trái, với các cơ quan nội tạng gồm lách, đại tràng, ruột non, đặc biệt là thận trái bị lạc chỗ trong lồng ngực.

"Đây là ca bệnh hiếm gặp và phức tạp, đòi hỏi phải sự can thiệp khẩn cấp từ nhiều chuyên khoa", PGS.TS Phạm Duy Hiền – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung đánh giá.

TS.BS Tô Mạnh Tuân – Trưởng khoa Ngoại lồng ngực tham gia hội chẩn cùng các bác sĩ để đưa ra phác đồ điều trị. Trẻ được chỉ định phẫu thuật nhằm đưa các cơ quan thoát vị về đúng vị trí trong ổ bụng và tạo hình lại cơ hoành trái. Đây là bước phẫu thuật khó, do các tạng đã ở trong lồng ngực thời gian dài, gây dính và nguy cơ chảy máu cao.

Ca phẫu thuật kéo dài 3h, đội ngũ bác sĩ phát hiện thêm bất thường khác, khối phổi biệt lập của bé được cấp máu trực tiếp từ động mạch chủ ngực và tĩnh mạch đổ về tĩnh mạch thận lạc chỗ.

Hình ảnh chụp thoát vị hoành trái bẩm sinh với tạng thoát vị là lách, ruột non, đại tràng và kèm theo thận lạc chỗ trên lồng ngực của trẻ.

Hình ảnh chụp thoát vị hoành trái bẩm sinh với tạng thoát vị là lách, ruột non, đại tràng và kèm theo thận lạc chỗ trên lồng ngực của trẻ.

"Việc phát hiện này đặt thêm thách thức cho ca mổ, đòi hỏi phải cẩn thận loại bỏ khối phổi biệt lập mà không làm tổn thương mạch máu quan trọng", bác sĩ Tuân nói và cho biết, sau nhiều nỗ lực của bác sĩ, ca phẫu thuật thành công. Phổi biệt lập được loại bỏ, thận và các tạng thoát vị khác được đưa về ổ bụng, cơ hoành trái được tái tạo thành công.

Phim chụp cắt lớp vi tính cho thấy các cơ quan thoát vị trở lại vị trí giải phẫu bình thường, cơ hoành liền tốt và phổi trái của bé nở đều. Chức năng thận trái sau khi trở về ổ bụng cũng được đánh giá không có bất thường. Bệnh nhi hồi phục ổn định và được xuất viện sau 7 ngày.

TS.BS Tô Mạnh Tuân cho biết, thoát vị hoành bẩm sinh là một trong những dị tật phức tạp nhất, chiếm tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời.

Thoát vị hoành với thận lạc chỗ trên lồng ngực là một dạng tổn thương hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng số các ca thoát vị hoành.

Trong những năm qua, khoa Ngoại lồng ngực – Trung tâm Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị thành công hàng trăm ca thoát vị hoành bẩm sinh. Đây là dị tật bẩm sinh đòi hỏi sự kết hợp nhịp nhàng giữa nhiều chuyên khoa khác nhau như hô hấp, tiêu hóa, và ngoại lồng ngực.

Để cải thiện tiên lượng cho trẻ mắc thoát vị hoành bẩm sinh, việc chẩn đoán sớm là cực kỳ quan trọng. Theo các chuyên gia, với sự tiến bộ của y học, hiện nay thoát vị hoành có thể được chẩn đoán từ giai đoạn bào thai thông qua các phương pháp chẩn đoán trước sinh. Điều này giúp bác sĩ và gia đình có thể chuẩn bị trước cho quá trình hồi sức, phẫu thuật sau khi trẻ chào đời, từ đó tăng đáng kể khả năng sống sót của trẻ.

Bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh cần đặc biệt chú ý đến các dấu hiệu bất thường về hô hấp và đau tức ngực ở trẻ nhỏ. Nếu trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp nhiều lần hoặc có dấu hiệu khó thở kéo dài, cha mẹ nên đưa trẻ đi thăm khám sớm để có biện pháp điều trị kịp thời. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giảm thiểu nguy cơ biến chứng nặng nề, cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khỏe cho trẻ.

Bình luận