20h ngày 18/1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu thông tin nhanh với báo chí tại hiện trường về tiến độ cứu hộ bé trai 10 tuổi bị lọt xuống trụ bê tông sâu 35m.
Theo ông Bửu, trong chiều cùng ngày, công tác cứu hộ phát sinh tình huống trục trặc nhưng đã được xử lý nhanh.
“Trong chiều nay có hiện tượng đất sụt lún ở xung quanh một ít. Tuy không nghiêm trọng, không ảnh hưởng bên trong nhưng phải xử lý cho mặt bằng ổn định, an toàn với các lực lượng thi công ở trên, ở dưới và xung quanh.
Đây là tình huống phát sinh và thiết bị trục trặc do chất liệu bơm lên đặc sánh. Tất cả những sự cố này đã được lực lượng ở công trình xử lý nhanh, dùng cát để san lấp, giữ ổn định xung quanh thành hố”, ông Đoàn Tấn Bửu nói.
Ông Đoàn Tấn Bửu cũng cho biết thêm, địa phương cũng đã tính phương án lo tang sự cho nạn nhân. Các công việc liên quan đến pháp y, xử lý thi hài, khâm liệm, đưa em bé về với gia đình đều được phân công sắp xếp.
“Tất cả công việc đang trong trạng thái sẵn sàng, đầy đủ, bằng mọi cách lo cho em bé tốt nhất”, ông Đoàn Tấn Bửu thông tin thêm.
Trước đó, sáng 18/1, trả lời VTC News, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho biết, lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực để đưa thi thể bé trai lọt xuống trụ bê tông lên mặt đất.
“Dự kiến trong tối nay hoặc chậm nhất trong ngày mai sẽ đưa thi thể bé lên”, ông Đoàn Tấn Bửu cho biết.
Như VTC News đưa tin, 11h30 ngày 31/12/2022, bé Thái Lý Hạo Nam cùng các bạn trong xóm vào công trình cầu Rọc Sen (tỉnh lộ 857, xã Phú Lợi) để nhặt sắt.
Lúc đi qua công trình đang thi công, bé Nam lọt xuống trụ bê tông (đường kính 25cm, rỗng bên trong, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m). Phát hiện sự việc, các em đi cùng hô hoán để người lớn ứng cứu nhưng bất thành.
Khoảng 30 phút sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng cứu hộ có mặt, triển khai nhiều phương án để cứu bé trai. Sau đó, chính quyền tỉnh Đồng Tháp đã huy động hàng trăm người tham gia cứu hộ, cứu nạn.
Sau nhiều ngày cứu nạn bất thành, tối 4/1, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp nhận định bé Thái Lý Hạo Nam đã tử vong. UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức cuộc họp với sự tham gia của các đơn vị bộ, sở, ngành địa phương, các chuyên gia và thành lập tổ điều hành cứu nạn, cứu hộ công trình.
Nhiều thiết bị phục vụ cứu nạn cũng được bổ sung đến hiện trường như gầu cạp đất, cẩu 80 tấn, đầu khoan cọc nhồi đường kính 0,6 - 1m, ống vách đường kính 1m và 2m, búa rung 180kW và máy phát điện.
Đến chiều 17/1, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp cho biết, lực lượng cứu hộ đã đào đất đến độ sâu 27m so với đầu cọc bê tông.
Do chiều dài cọc lớn nên lực lượng chức năng phải cắt mối nối 1, đưa đốt 1 lên khỏi hố móng và bịt kín đầu cọc đoạn 2 để tránh cọc bị đổ nghiêng.
Bình luận