Đó là trường hợp của bé Đ.T. (5 tuổi, ngụ Rạch Giá, Kiên Giang). Ngay từ khi mới sinh ra, bé trai đã xuất hiện chứng táo bón, bụng ngày một phình to như phụ nữ mang thai. Bé được chẩn đoán đại tràng dài và cho xuất viện nhưng tình trạng không cải thiện.
Cứ 2-3 ngày, gia đình phải bơm cho bé đi ngoài nếu không bụng lại trướng lên. Thuốc bơm vào hậu môn chỉ làm giảm nhẹ các triệu chứng chứ không thể trị dứt bệnh. Theo thời gian ruột bé bị phình giãn hơn 20cm, lượng phân tích trữ đến gần 3 kg.
Gia đình đã đưa bé đi nhiều phòng khám để chẩn đoán và điều trị nhưng vì hoàn cảnh khó khăn cộng thêm việc táo bón của bé đáp ứng với thuốc nhuận tràng và thuốc bơm hậu môn, họ chấp nhận để bé chống chọi với căn bệnh suốt hơn 5 năm.
Gần đây khi lượng phân lớn tích trữ trong đoạn ruột giãn khiến bụng bé ngày càng phình to bất thường, kéo theo các cơn đau quằn quại, gia đình phải đưa bé đến Bệnh viện (BV) Nhi đồng Thành Phố (TP.HCM) cấp cứu.
Qua thăm khám và chụp phim, các bác sĩ chẩn đoán bé bị hội chứng phình đại tràng bẩm sinh, khiến một đoạn đại tràng không có dây thần kinh để kiểm soát sự co bóp.
Ekip điều trị dưới sự hướng dẫn và tham vấn từ PGS.TS Trương Nguyễn Uy Linh, người gắn bó với hàng trăm ca mổ phình đại tràng bẩm sinh đã thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhi. Ca mổ kéo dài 3 giờ để cắt bỏ phần trực tràng bị phình dài gần 20 cm, giãn to 20 cm cùng gần 3 kg phân ứ đọng bên trong.
Hơn 15 ngày nằm điều trị tại khoa Ngoại Tổng hợp, bé ăn uống và tự đi tiêu thoải mái, bụng xẹp hẳn. Hiện bé đã được xuất viện trong niềm hạnh phúc của gia đình. Gánh nặng bệnh tật của bé trai sau 5 năm dài chịu đựng cuối cùng cũng được trút bỏ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Xuyên, khoa Ngoại Tổng hợp, BV Nhi đồng Thành phố phân tích, bệnh phình đại tràng bẩm sinh do nguyên nhân vô hạch chiếm vị trí hàng đầu trong hội chứng tắc ruột ở trẻ sơ sinh.
Mới chào đời, trẻ mắc bệnh phình đại tràng bẩm sinh do vô hạch sẽ không đi tiêu phân su trong ngày đầu tiên. Những ngày sau đó, bé vẫn tiếp tục táo bón và người nhà phải dùng thuốc bơm vào hậu môn cho bé. Nếu bé vẫn không đi ngoài được, người nhà sẽ đưa bé đến BV để đặt ống thông vào hậu môn, bơm nước muối sinh lý (thụt tháo) để giúp bé đi ngoài.
"Không phải trẻ nào mắc bệnh này cũng có thể phát hiện trong giai đoạn sơ sinh. Tình trạng bệnh nặng hay nhẹ, phát hiện sớm hay trễ tùy thuộc nhiều vào đoạn ruột vô hạch dài hay ngắn. Trẻ có đoạn ruột vô hạch ngắn chỉ cần mua ống thuốc bơm vào hậu môn sẽ giúp trẻ đi tiêu. Vì vậy nhiều gia đình thường chấp nhận giải pháp này và không đưa trẻ đến bệnh viện khám lại khiến tình trạng táo bón sẽ kéo dài trong nhiều năm" - bác sĩ nói.
Theo bác sĩ, trẻ được mổ sớm có hiệu quả nhiều lần so với khi trẻ đã lớn. Mổ càng sớm, ruột của trẻ sơ sinh ít viêm dính, đặc biệt chức năng đi tiêu sau mổ được hoàn thiện tốt hơn. Ngược lại nếu phẫu thuật muộn, khi trẻ càng lớn tình trạng ứ đọng phân càng kéo dài. Điều này dẫn đến trẻ chậm phát triển thể chất, nguy cơ bị viêm ruột trước và sau mổ càng cao, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, nhiễm độc thậm chí thiệt mạng.
Các bác sĩ cũng khuyên cha mẹ, dù con em đã được phẫu thuật cũng cần tuân thủ chặt chẽ lịch hẹn tái khám.
Bình luận