Gia đình cho biết, bé P. bị chó cắn trong lúc đang chơi với bạn bên nhà bà ngoại. Con chó là giống becgie, nặng khoảng hơn 20kg.
Nghe thấy tiếng bé P. la hét, bà ngoại trong nhà ra kịp thời xua đuổi con chó. Do vết thương ở mặt P. chảy máu quá nhiều, bé được đưa tới bệnh viện huyện sơ cứu sau đó chuyển lên Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường – khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sợ hãi, vết thương hàm mặt nặng nề, má trái rách rộng khoảng 6 cm, mất tổ chức cơ, môi trái đứt ngang cơ vòng môi.
Ngay khi tiếp nhận, bệnh nhi được vệ sinh vết cắn, khâu, cầm máu vết thương và tiêm phòng dại. Tuy nhiên, do vết thương chó cắn nguy cơ bị nhiễm trùng cao, nên các bác sĩ chỉ khâu thưa vết rách để tránh ứ dịch và dẫn lưu.
“Chúng tôi đang tính tới phương án sau khi vết thương liền sẽ xem xét, đánh giá tạo hình cho bệnh nhi. Cũng may là vết thương không quá sâu, nếu không tuyến nước bọt và dây thần kinh của bệnh nhi sẽ bị ảnh hưởng nặng nề”, bác sĩ Cường nói.
Hiện, sau 3 ngày điều trị, sức khoẻ bệnh nhi tiến triển nhiều, vết thương khô, có thể xuất viện trong 2 ngày tới.
Bác sĩ Cường khuyến cáo các bậc cha mẹ có con nhỏ cần đặc biệt chú ý, không nên để con chơi đùa với chó, mèo, vật nuôi dữ. Nếu không may trẻ bị chó cắn, cần sơ cứu đúng cách rồi đưa tới bệnh viện gần nhất để cấp cứu kịp thời, không sử dụng những phương pháp truyền miệng hay chữa mẹo để hạn chế biến chứng có thể xảy ra.
Bình luận