Bệnh nhi chẩn đoán viêm tai giữa cấp hai bên, viêm mũi họng cấp được chỉ định tiêm kháng sinh điều trị. Sau hai mũi tiêm, bệnh nhi ổn định, không có dấu hiệu bất thường.
Tuy nhiên, mũi thứ 3 tiêm tĩnh mạch chậm 300 mg Zidimbiotic 1g khoảng 3-4 phút bệnh nhi có dấu hiệu phản ứng, tím tái, mạch không bắt được, tim rời rạc, ngừng thở… Qua kiểm tra bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị sốc phản vệ do Zidimbiotic.
Bệnh nhi nhanh chóng được các bác sĩ cấp cứu theo đúng phác đồ chẩn đoán và xử trí phản vệ của Bộ Y tế.
Rất may, sau khoảng 30 phút cấp cứu tích cực, tim bệnh nhi đập trở lại. Hai giờ sau, bệnh nhi tự thở được, nhịp tim đều, mạch ổn định. Nhưng để đảm bảo sức khỏe, bệnh nhi được chuyển xuống Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị.
BSCKI Nguyễn Thị Thu Hương, Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, trường hợp của bệnh nhi A. là tai biến y khoa không mong muốn, xảy ra đột ngột, kể cả những người khỏe mạnh.
“Trường hợp bệnh nhi là sốc phản vệ thuốc kháng sinh trên cơ thể trẻ nhỏ, xảy ra muộn sau khi được tiêm kháng sinh ngày thứ 2 nên diễn biến nhanh. Chỉ vài phút huyết áp tụt, mạch không bắt được, bệnh nhân có nguy cơ ngừng tuần hoàn, rồi thiệt mạng”, bác sĩ Hương nói.
Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng hệ thống cấp, thường xảy ra khi có sự xâm nhập của yếu tố lạ (dị nguyên) vào cơ thể và những người có cơ địa dị ứng. Cùng liều lượng, tốc độ và thời gian hấp thụ, phơi nhiễm, phản ứng phản vệ có thể xảy ra ở người này nhưng chưa chắc xảy ra ở người khác.
Tác động của tình trạng phản vệ lên cơ thể rất nhanh, gây phù nề, xuất tiết niêm mạc và co thắt cơ trơn (phế quản và ruột) dẫn đến trụy tim mạch, suy hô hấp và dễ thiệt mạng.
Phần lớn bệnh nhân thiệt mạng do phản vệ là không thể dự báo trước. Dị nguyên gây phản vệ thường có 4 nhóm chính, đó là thuốc (thuốc tiêm hay truyền dịch), thức ăn, nọc côn trùng, phấn hoa (hay nấm mốc).
Bình luận