• Zalo

Bé nghi bị dán băng dính chỗ kín: Dễ tìm ra sự thật

Giáo dụcThứ Năm, 24/11/2011 09:52:00 +07:00Google News

(VTC News)- Theo nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất, dễ dàng để xác định cháu bé 4 tuổi có bị cô giáo dán băng dính vào chỗ kín hay không.

(VTC News) - Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất (Giám đốc Công ty Tư vấn tâm lý An Việt Sơn) cho biết dễ dàng xác định cháu bé A.D có bị dán băng dính vào chỗ kín hay không chỉ qua trò chuyện.

Tin liên quan

Ngay sau khi nghi án cô giáo dùng băng dính dán lên vùng kín của bé 4 tuổi được đăng tải trên VTC News, nhiều bạn đọc đã gửi phản hồi tới tòa soạn yêu cầu làm rõ sự việc.

 Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất (Giám đốc Công ty Tư vấn tâm lý An Việt Sơn) xung quanh sự việc)

Để rộng đường dư luận và cũng trên cơ sở nguyện vọng của gia đình và nhà trường đều sẵn sàng mời các chuyên gia tâm lý vào cuộc, PV VTC News đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất (Giám đốc Công ty Tư vấn tâm lý An Việt Sơn) xung quanh vụ việc.

Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất khẳng định việc tiếp xúc với cháu bé một cách nhẹ nhàng và thông qua những câu hỏi mang tính trò chuyện cởi mở với cháu bé và bằng các biện pháp tâm lý thì có thể khẳng định được cháu A.D có nói dối hay không.

Ngoài ra, đối với trường hợp của cô Q., thông qua việc trò chuyện dựa trên sự khoa học và chân tình thì nếu có lỗi, cô Q sẽ phải công khai nhận lỗi.


Nhà tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng: “Trẻ bao giờ cũng nói sự thật. Nhưng sự thật đến đâu thì cần tranh luận và làm rõ. Tôi cũng xin nhắc lại kinh nghiệm của cha ông “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. 

Ông Chất phỏng đoán, rất có thể cô giáo đã có hành động dọa dán giấy vào chỗ kín của trẻ.


Chia sẻ về diễn biến tâm lý của gia đình bé A.D, ông Chất cho rằng việc gia đình chị P khi nghe bé A.D phản ánh bị cô giáo dán băng dính vào chỗ kín và cảm thấy bức xúc là một việc hết sức bình thường. Cách xử lý bình tĩnh của gia đình chị P khi đến gặp lãnh đạo nhà trường là một cách xử sự hợp lý.

Bên cạnh đó, nhà tâm lý Nguyễn An Chất cũng cho rằng sau khi sự việc xảy ra, nhà trường đã có phần né tránh trách nhiệm khi chưa công nhận lỗi sai do việc bố trí giáo viên chưa hợp lý của mình.

“Nhà trường có một cái nguy hiểm đó là sử dụng cô giáo không có chuyên môn. Cô giáo đó mới chỉ tốt nghiệp THPT thì không được tham gia vào việc dạy ở lớp. Tôi đã đi nhiều nước như Singapore, Thụy Điển, Pháp… Ở những nơi đó người ta chọn lọc giáo viên mầm non rất kỹ và khắt khe hơn nhiều so với các cấp tiểu học, trung học. Thậm chí, nhiều nơi nếu giảng dạy mầm non đòi hỏi phải có trình độ thạc sĩ”, ông Chất khẳng định.

Nhà tâm lý Nguyễn An Chất đánh giá việc nhiều ý kiến của các lãnh đạo nhà trường nhận xét cô Q. là người dạy giỏi, có trình độ là không có căn cứ khi cô Q. mới chỉ về trường được 3-4 năm và công việc chính chỉ là đưa đón và dạy phụ.

Nhận xét về hành động của cô Q. ”sẵn sàng tự tử để chứng minh mình trong sạch”, nhà tâm lý Nguyễn An Chất càng khẳng định đây là một giáo viên không có trình độ và có tâm lý không vững vàng.

“Việc cô Q dọa tự tử là không thể chấp nhận được. Đáng nhẽ ra ta phải dùng khoa học và sự chân tình để chứng minh cho mình. Nếu trường hợp mình có lỗi thì phải công khai đứng ra nhận lỗi”.


Đề xuất về hướng giải quyết, nhà tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng cả nhà trường và gia đình cần phải có cái nhìn cảm thông lẫn nhau để có biện pháp giải quyết tốt nhất. Do sự việc cũng chưa để xảy ra hậu quả nghiêm trọng nên hai bên cần ngồi lại để trao đổi trên tinh thần cầu tiến.

“Bức xúc là của cả 2 bên, vậy nếu không ai cho thì cũng sẽ không ai được nhận cả”.


Trong diễn biến tiếp theo của sự việc, chiều qua 23/11, lãnh đạo nhà trường đã liên lạc với gia đình chị P với lời nhờ “gia đình em mời chuyên gia tâm lý đi”.

Chị P cũng thông tin thêm, việc gợi ý mời chuyên gia tâm lý vào cuộc là ý kiến của gia đình chị chủ động đề xuất trong buổi làm việc thứ 2 với nhà trường. Sau khi báo chí vào cuộc, nhà trường cũng đưa ra ý kiến mời chuyên gia tâm lý.

Tuy nhiên, chị P cho biết, gia đình sẽ phải làm việc với nhà trường để thống nhất bên nào sẽ mời chuyên gia tâm lý và kết quả dù có như nào thì cũng sẽ được cả hai bên chấp nhận.

"Cách giải quyết của nhà trường là chưa thỏa đáng khi đưa ra hình thức kỷ luật vô lý: Cô Quỳnh chỉ mới tốt nghiệp PTTH, không có bằng cấp, chưa qua đào tạo, bồi dưỡng nuôi dạy trẻ mà lại được đứng lớp.
 
Vậy, tư cách giáo viên của cô Quỳnh ra sao? Tiêu chí tuyển dụng giáo viên của nhà trường như thế nào? Trình độ giáo viên của trường Vietkids được đánh giá là chất lượng cao ra sao?" Chị V.T.P băn khoăn đặt câu hỏi.


VTC News sẽ tiếp tục thông tin mới nhất về sự việc.

Độc giả có thể gửi ý kiến và phản ánh về các trường hợp học sinh bị xâm hại tại trường học có thể gửi vào ô thảo luận cuối bài viết.

Phạm Thịnh


Bình luận
vtcnews.vn