Mình bắt đầu bẻ khớp ngón tay từ hồi tiểu học. Âm thanh răng rắc phát ra nghe thật sướng tai. Thật tình lúc đó cũng không ngờ theo thời gian, đôi bàn tay mình lại trở nên to và xương xẩu, gân xanh nổi chằng chịt. Mọi người biết vì sao không? Tham khảo bài viết dưới đây nhé.
1. Vì sao bẻ khớp ngón tay phát ra tiếng kêu?
Khi bẻ khớp ngón tay, các khớp thường phát ra những âm thanh rắc rắc nghe rất vui tai. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn rằng âm thanh này được gây ra do đâu. Những lý giải cho đến nay vẫn chỉ dưới dạng giả thuyết.
Theo đó, điểm nối giữa hai khớp xương bao gồm dây chằng, các mô nang liên kết và bao phủ chúng chính là một lượng dịch khớp dày. Khi bạn tiến hành bẻ khớp, các mô liên kết trong ngón tay (hoặc chân) tăng khối lượng, làm giảm áp lực trong khớp, dịch khớp dần biến thành những bong bóng trong lỗ trống và tới khi áp lực thấp nhất, các bong bóng này sẽ nổ và phát ra âm thanh như trên.
Bẻ khớp ngón tay là thói quen khó bỏ của nhiều người.
Bên cạnh đó, một số nhà khoa học khác lại chia sẻ, tiếng “rắc”, "khục" phát ra là do dây chằng bị kéo dãn quá nhanh hay do sự chà xát mạnh giữa hai khớp xương gây ra. Nếu bẻ khớp thường xuyên, cấu trúc xương của bạn sẽ tự động thích nghi và màng khớp cùng các dây chằng bao quanh sẽ giãn ra. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về chức năng.
2. Bẻ khớp ngón tay hại gì?
- To ngón tay: Khớp ngón tay bị bẻ thường xuyên sẽ khiến chúng bị bè ra và to hơn, ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mỹ của đôi bàn tay. Đáng lo ngại hơn là nguy cơ các khớp xương bị phì đại khi các mô xung quanh khớp ngày càng sưng. Một số trường hợp hiếm có thể dẫn đến trật khớp.
- Viêm khớp: Lực tác động đột ngột vào các đầu ngón tay làm cho các khớp bị co giãn khiến bao khớp và hệ thống dây chằng phải chịu một tác động rất lớn, nó sẽ dễ bị giãn và rách. Nếu bẻ đốt tay trong thời gian dài, sự cọ xát và áp lực lên mặt khớp cao hơn khiến hao mòn mặt khớp, nghiêm trọng hơn là nguy cơ thoái hóa và viêm mặt sụn khớp.
Để làm cho bạn vui tai, các ngón tay phải trả giá.
- Tổn thương tế bào sụn: Nếu bạn thường xuyên bẻ ngón tay trong thời gian dài sẽ dễ gây chấn thương khớp, kéo theo tế bào sụn sẽ bị vi chấn thương.
Nếu các vi chấn thương trên cùng một ổ khớp tích tụ nhiều, lâu dần sẽ hao hụt chất sụn. Khớp bị mất sụn sẽ hình thành nên các gai xương. Những gai xương mọc ra sẽ tác động đến mô xung quanh khớp gây ra hiện tượng sưng và đau ngón tay.
- Giảm chức năng hoạt động bàn tay: Khi các khớp xương chịu tổn thương, các mô xung quanh khớp ngày càng sưng làm sưng bàn tay và giảm lực cầm nắm các đồ vật.
Bạc Băng
Bình luận