Sau buổi sáng học ở trường, bé T.N.N.Y, hiện đang học lớp 5 tại một trường tiểu học ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai trở về nhà để nghỉ ngơi và chuẩn bị cho buổi học chiều.
Khi mở cửa bước vào, Y. vô tình dẫm trúng đuôi con rắn. Bị động, con rắn quay lại cắn chân cô bé.
Nạn nhân hoảng sợ la lớn, người nhà nhanh chóng chạy tới sơ cấp cứu cho bé bằng cách caro chân lại và chuyển bé đến cơ sở y tế gần đó.
Sau một thời gian điều trị, chân của bé sưng to không giảm. Gia đình đã chuyển bé lên bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 (TP.HCM) để điều trị.
Tại khoa Nội tổng hợp, em nhập viện với tình trạng chân trái sưng to. Sau khi thăm khám, các bác sĩ nhận định đây là vết thương do rắn hổ mèo cắn và loại rắn này được xếp vào loại nguy hiểm. May mắn nhờ được điều trị tích cực, chân bé đã dần bình phục.
Bác sĩ Vũ Hiệp Phát, Trưởng khoa Nội tổng hợp, BV Nhi đồng 2 cho biết, tùy vào từng loại rắn (rắn chàm quạp, lục xanh, hổ đất, hổ mèo, hổ chúa, cạp nia...) mà có cách điều trị khác nhau và mức độ nguy hiểm của chúng cũng khác nhau.
Khi bị rắn cắn, một số triệu chứng bệnh nhân có thể gặp là suy hô hấp, sốc và thậm chí xuất huyết.
Trước đó không lâu, một bé trai được chuyển từ BV tỉnh Ninh Thuận đến BV Nhi đồng 2 với tình trạng toàn thân sưng phù, chảy máu chân phải không cầm được. Kiểm tra thấy chức năng đông cầm máu của cháu bị rối loạn hoàn toàn.
Các chế phẩm máu được huy động để điều chỉnh cho bệnh nhi nhưng vẫn không cải thiện. Nghi ngờ bé bị rắn độc chàm quạp cắn, các bác sĩ đã sử dụng huyết thanh kháng độc truyền mới kiểm soát được tình trạng chảy máu.
Sau gần 2 tuần điều trị, chức năng đông cầm máu của cháu bé đã trở về bình thường, tình trạng nhiễm trùng cẳng chân cũng đã cải thiện dần.
Theo lời kể của người nhà, cha mẹ bé trai bỏ rơi cháu từ lúc 2 tuổi nên người cô đảm nhận việc nuôi dạy. Hàng ngày, cô lên rẫy gần bìa rừng để làm việc. Để cháu ở nhà thì không yên tâm nên bé trai được đưa đi cùng.
Hôm xảy ra sự việc, bé chạy đi bắt ếch trong lúc cô đang làm rẫy thì quay về với chân sưng phù chảy máu. Từng bị rắn cắn trước đây khiến ngón chân bị biến dạng, người cô nghi ngờ và đưa cháu tới BV.
Bác sĩ khuyến cáo một số cách sơ cứu ban đầu khi bị rắn cắn:
Trấn an tinh thần của người bị rắn cắn.
Hạn chế di chuyển và nẹp.
Không cởi bỏ quần áo hay rửa, chạm vào vết thương.
Tuyệt đối không dùng các mẹo, các bài thuốc dân gian để chữa hay hút máu độc...
Một trường hợp bị rắn cắn khi theo gia đình lên rẫy. Dùng băng thun bản rộng để băng chặt vùng bị cắn (băng chặt như khi bị bong gân), băng từ dưới vết cắn băng lên càng cao càng tốt.
Nẹp cố định và giữ bất động khi bi rắn cắn. Sau đó, chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất có điều kiện cấp cứu hồi sức.
Bình luận