Theo thông tin từ BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, các bác sĩ bệnh viện này vừa tiếp nhận trường hợp trẻ Ch. G. H. 6 tuổi, nữ, ngụ ở Quận 11, TP.HCM trong tình trạng bứt rứt, đau bụng, nôn.
Hai tiếng trước khi nhập viện, bé ở nhà trẻ, được bạn cùng lớp cho 5 viên bi nam châm chơi, em giấu không cho cô biết bằng cách bỏ vào miệng ngậm, dự định ra về lấy ra nhưng vô tình bé nuốt luôn vào bụng (dạ dày). Thấy khó chịu, đau bụng bé mới nói với cô.
Tại bệnh viện, bé được hỗ trợ hô hấp thở oxy, chụp Xquang bụng phát hiện dị vật ở ruột non. Bệnh nhi được hội chẩn bởi các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, bác sĩ ngoại khoa nội soi đường tiêu hóa cấp cứu và nội soi ổ bụng, đẩy dị vật từ ruột non lên dạ dày. Các bác sĩ gắp ra 5 viên bi nam châm dính liền nhau.
Sau nội soi gắp dị vật, trẻ hết đau bụng,tỉnh táo, tiếp tục theo dõi tổn thương niêm mac ruột cũng như chức năng đường tiêu hóa.
BS Tiến cho biết trường hợp trên may mắn, trẻ biết nuốt phải dị vật thông báo sớm với cô giáo và đưa đến bệnh viện xử trí kịp thời. Để lâu, viên bi nam châm sẽ gây tổn thương niêm mạc ruột, thủng ruột các viên bi “hít nhau” gây vặn xoắn các quai ruột, gây tắc ruột…nguy hiểm cho tính mạng trẻ.
Bác sĩ Tiến cảnh báo hiện tượng trẻ có đồ chơi lạ mang khoe bạn bè và gây nên các tai nạn hóc dị vật. Cha mẹ và thầy cô cần đặc biệt lưu ý.
Nam châm có thể gây chết người
Theo BS Trương Hoàng Hưng, bác sĩ chuyên khoa Nhi tại Hoa Kỳ, nam châm đồ chơi cực kỳ nguy hiểm. Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) và Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) nhiều lần khuyến cáo không cho các trẻ nhỏ, đặc biệt là dưới 3 tuổi, chơi các viên nam châm nhỏ vì có thể gây chết người nếu nuốt phải.
BS Hưng từng gặp bé gái hai tuổi trong hình nuốt các viên nam châm mà không ai biết. Vài ngày sau bé đau bụng dữ dội, vào cấp cứu thì được xác định là thủng ruột, viêm phúc mạc cấp và qua đời không lâu sau đó.
Nếu vô tình nuốt một viên thì chưa phải chuyện lớn. Vấn đề trở nên nghiêm trọng khi bé nuốt từ 2 viên trở lên, lúc này các viên nam châm ở hai vùng ruột khác nhau sẽ hút lại thông qua thành ruột và không di chuyển tiếp. Khi hút vào nhau như vậy, chúng tạo môt sức ép lên thành ruột ở một vùng cố định kéo dài, từ đó gây thiếu máu cục bộ, vùng ruột bị chèn ép, gây hoại tử và thủng ruột. Cơ chế này giống như loét mông hay lưng do tỳ đè lâu ngày ở người nằm lâu. Do vậy triệu chứng không xuất hiện ngay mà tới vài ngày sau ruột đã thủng vì hoại tử.
Điều nguy hiểm là trẻ nuốt xong không có triệu chứng gì, không nói cho người lớn biết nên cha mẹ không hề nghi ngờ gì, hoặc biết cũng không rõ trẻ nuốt một hay nhiều viên vì số lượng hạt quá nhiều.
Bình luận