Ngày 31/10, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, đơn vị vừa phẫu thuật thành công ca tách khối u "khủng" ra khỏi cơ thể bệnh nhi 20 ngày tuổi.
Trước đó, lúc đang mang bầu, thai phụ quê Tiền Giang được bác sĩ thông báo thai nhi có dị tật là một khối u lớn ở vùng cổ và ngực. Tuy nhiên, thai phụ vẫn quyết định giữ thai và sinh em bé.
Sau khi sinh tại một bệnh viện sản, bé gái sơ sinh cùng mẹ được chuyển qua Bệnh viện Nhi đồng 1 chữa trị, thăm khám khối u.
Tiếp nhận ca bệnh, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhận định khối u bắt đầu phát triển nhanh, với kích thước bằng với cơ thể bé. Khối u kéo dài từ vùng cổ, vai và phình ra toàn bộ thành ngực hông trái, có xuất huyết. Ngoài ra, do khối u bị nhiễm trùng nên bệnh nhi bị sốt liên tục, sức khoẻ ngày càng suy yếu.
Nhận thấy tình hình bệnh nguy kịch, khi bé được 20 ngày tuổi, các bác sĩ quyết định phẫu thuật bóc tách khối u cho bệnh nhi.
Ông Đào Trung Hiếu - Phó GĐ BV Nhi đồng 1 cho biết, trong tình hình cấp bách, lẽ ra bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật sớm, nhưng bệnh nhi quá nhỏ, không đủ da để khâu ghép vết thương, phải chờ lớn hơn chút nữa để khâu. Tuy nhiên, lúc nằm chờ, vết mổ phơi bày sẽ khiến viêm cơ nhiễm trùng có thể gây tử vong sau mổ.
"Nếu chờ đợi bé lớn hơn chút nữa thì chắc chắn sẽ tử vong vì khối u đã nhiễm trùng quá nặng, có những mô đã bị hoại tử nguy cơ dẫn đến nhiễm trùng máu. Bé bị dị dạng mạch máu, trong khi mổ cũng có nguy cơ mất máu không thể khống chế được, bé cũng có thể tử vong ngay trên bàn mổ", ông Đào Trung Hiếu cho hay.
Sau 8 giờ phẫu thuật, ê-kíp bác sĩ đã bóc tách thành công khối u cho bệnh nhi. Khối u được đưa ra khỏi cơ thể bệnh nhi với nhiều mủ đục, thành dày, có nhiều mô viêm, mô hoại tử.
Theo ông Hiếu, khối bướu dị dạng mạch máu như của bé gái này rất hiếm gặp. Y văn thế giới chỉ mới ghi nhận 6 trường hợp tương tự.
Sau 3 ngày mổ, hiện vết mổ đã khô, không rỉ thêm dịch, da vết mổ đã dần hồng hào, bé gái đã tỉnh và không còn sốt.
Video: Người nhà bệnh nhân ném máy đo huyết áp, bác sĩ chảy máu đầu
Bình luận