Trong khi đó tình hình đội vốn và hàng loạt khó khăn khác tiếp tục tái diễn. Tính đến cuối tháng 9/2018, dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên mới triển khai thi công đạt khoảng 56% khối lượng.
Cụ thể, theo báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị, một số gói thầu đạt tỷ lệ khá như CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát thành phố đến ga Ba Son) đạt 66%; gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot) đạt khối lượng 77%; gói thầu CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát thành phố) đạt 49%.
Trong khi đó, gói thầu mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng khoảng 32%.
Kể từ thời điểm dự án không được giao vốn (tháng 9/2016) cho đến nay, UBND TP.HCM đã tạm ứng cho dự án tổng cộng 3.273 tỷ đồng. Trong đó, năm 2018, UBND TP đã tạm ứng cho dự án 1.000 tỷ đồng.
Trong khi dự án vẫn đang chậm tiến độ, thì kết luận của Kiểm toán Nhà nước mới đây đã chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng của dự án, trong đó phần nào lý giải nguyên nhân TP.HCM không được "rót" vốn để tiếp tục hoàn thành tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên.
Theo đó, Phó trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM Hoàng Như Cương là người đã phê duyệt điều chỉnh dự án tại quyết định số 178/QĐ-BQLĐSĐT ngày 7/7/2014. Đây có thể coi là quyết định trái thẩm quyền, bởi Metro Bến Thành - Suối Tiên là dự án quan trọng của quốc gia, ông Cương chỉ là Phó Trưởng Ban, không có quyền điều chỉnh tổng mức đầu tư và quy mô của dự án.
Không chỉ ông Cương, việc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP thực hiện thẩm định dự án để phê duyệt cũng không đúng thẩm quyền, do dự án đã phát sinh vấn đề thuộc tiêu chí công trình quan trọng quốc gia. Theo quy định tại Nghị quyết 49/2010/QH12, việc thẩm định phải được thực hiện bởi Hội đồng thẩm định Nhà nước.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước khẳng định, theo quy định đơn vị thẩm tra dự án phải do người quyết định đầu tư thuê. Dù Bộ GTVT có đề nghị nhưng UBND TP.HCM vẫn chỉ đạo đơn vị thẩm định sử dụng kết quả thẩm tra tổng mức đầu tư của tư vấn CPG&SMRT (do JICA thuê) là không phù hợp quy định.
Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên dự kiến đến cuối năm 2019, đầu năm 2020 sẽ đi vào hoạt động. Nhưng đến nay, không chỉ dính hàng loạt sai phạm về phê duyệt điều chỉnh dự án vượt thẩm quyền, mà Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM - đơn vị chủ đầu tư dự án - còn liên tục có những biến động về nhân sự.
Vào năm 2017, ông Dương Hữu Hòa, Chủ tịch Công đoàn Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, Giám đốc Ban Quản lý dự án 1 đã nộp đơn xin nghỉ việc do sức khỏe kém, muốn đi chữa bệnh. Tuy nhiên việc này chưa được đồng ý nên ông Hòa vẫn đi làm bình thường cho tới nay.
Vừa qua, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM Lê Nguyễn Minh Quang cũng có đơn xin nghỉ việc vì lý do cá nhân, nhưng đến nay chưa nhận được quyết định từ UBND TP.HCM.
Trong khi đó, Phó Trưởng Ban Hoàng Như Cương đã đi nước ngoài vì công việc riêng, khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép theo quy định từ đầu tháng 12/2018. TP sau đó đã phải phân công bà Vũ Minh Huyền, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị phụ trách Đảng ủy Ban từ ngày 21/12 thay ông Cương.
Với tình hình như hiện nay, nguy cơ dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên phải "đắp chiếu" nằm chờ hoàn toàn có thể xảy ra. Như vậy, dự án trọng điểm quốc gia này còn phải kéo dài đến bao giờ vẫn là bài toán khó đối với chính quyền TP.HCM cũng như các bộ, ngành liên quan.
Bình luận