Còn đối với BS.Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương, trong mắt anh, Hải An là một thiên thần.
“Cháu chỉ trông như đang ngủ mà thôi”
Có mặt tại lễ truy điệu của Hải An, BS. Nguyễn Hữu Hoàng, cũng như rất nhiều những người khác đang có mặt tại đây, không thể giấu nổi niềm xúc động và thương tiếc cô bé.
BS. Nguyễn Hữu Hoàng là người trực tiếp lấy giác mạc của Hải An khi cô bé vừa mất. Hồi tưởng lại dạng vẻ của Hải An khi ấy, anh bảo: “Khi trông thấy Hải An, tôi chợt bật thốt lên: Cháu bé xinh quá! Hải An rất xinh”.
BS. Nguyễn Hữu Hoàng biết được thông tin về Hải An thông qua các cán bộ của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.
Tìm hiểu thêm thông tin về Hải An thì hay biết, cô bé chỉ vừa bước qua tuổi thứ 7 được 3 tháng, nhưng mắc u thần kinh đệm cầu não lan tỏa - một căn bệnh hiếm ở trẻ em và điều trị vô cùng khó khăn - từ tháng 9/2017.
Cuối năm lớp 1, Hải An bắt đầu trở nên bất thường, không còn kiểm soát được hành vi, không nghe lời gia đình. Cô bé có những cơn đau đầu thường xuyên với tần suất dày. Gia đình đưa cô bé tới Bệnh viện Thanh Nhàn chữa trị nhưng không có hiệu quả, rồi tới Bệnh viện Nhi TW, và cuối cùng là Bệnh viện K.
Mặc cho những nỗ lực của các y bác sĩ tại Bệnh viện K giành giật sự sống cho mình, cô bé vẫn không qua khỏi. Chiều ngày 22/2, Hải An ra đi mãi mãi.
Trước khi bé mất, cả gia đình và Hải An đều có nguyện vọng hiến tặng mô tạng. Do đó, ngay khi con gái qua đời, mẹ bé gọi điện đến Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để xin được hiến tạng con, cứu người khác.
“Khi chúng tôi tới nhà, Hải An nằm trên giường trông giống như cháu chỉ đang ngủ mà thôi. Giấc ngủ ấy thanh thản và đẹp đẽ. Cháu giống như một thiên thần vậy.
Chúng tôi sợ rằng mình sẽ làm ảnh hưởng tới cháu, ảnh hưởng tới gia đình cháu, vì vậy chúng tôi cố gắng hết sức làm sao cho cháu nhẹ nhàng nhất.
Khi chúng tôi làm việc xong, mẹ cháu có nói một câu: Mẹ tự hào về con. Thực sự câu nói đó của mẹ cháu đã đánh thức cảm xúc của tất cả mọi người đứng xung quanh.
Rồi mẹ cháu bé còn nhờ tôi khâu hộ luôn vết mở nội khí quản ở cổ cháu. Tôi chưa từng khâu vết thương bao giờ, và phải cố kìm nén cơn xúc động, để khâu vết thương hở cho cháu bé".
"Chúng tôi đi lấy rất nhiều rồi nhưng chưa bao giờ chứng kiến cảnh như thế cả. Việc lấy giác mạc từ trẻ em rất hiếm, đây mới chỉ là trường hợp thứ hai tôi thực hiện trong hơn 10 năm làm nghề. Chúng tôi rất xúc động”, bác sĩ Hoàng tâm sự.
Video: Bé 7 tuổi hiến giác mạc: 'Cô bé nằm ngoan như một thiên thần say ngủ'
“Chúng ta không chỉ thương tiếc con, mà còn tự hào về con”
Tại đám tang Hải An, Th.S Nguyễn Hoàng Phúc một lần nữa chia sẻ: “Ngày hôm nay với sự có mặt của những người thân yêu của con, các bạn của con, các anh các chị phóng viên và sự quan tâm chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến với tư cách người mẹ... tất cả những điều này chính là sự trân trọng, là tình yêu và sự vinh danh vô cùng to lớn dành cho Hải An.
Tôi nghĩ rằng, không cần nói ra, chúng ta đều biết Hải An vẫn sống trong tình cảm sự yêu thương của tất cả mọi người”.
Lời chia sẻ xúc động của Th.S Nguyễn Hoàng Phúc khiến không gian như trở nên lặng lẽ thêm. Một vài người không nén được tiếng nấc nghẹn ngào, cố gắng tránh bật khóc.
Theo Th.S Nguyễn Hoàng Phúc, không chỉ có nỗi tiếc thương, mà gia đình và những người xung quanh còn dành cho cô bé một sự tự hào to lớn, bởi vì cô bé làm được một việc vô cùng đặc biệt mà không phải ai cũng làm được.
“Con sống, đến cuộc đời một cách trọn vẹn, ra đi một cách bình an, khi ra đi con kịp để lại món quà vô giá cho cuộc đời và câu chuyện đầy tính nhân văn cao cả".
Không chỉ riêng Hải An mà mỗi trường hợp qua đời, sau đó hiến tạng là một câu chuyện cổ tích có thực giữa đời thường này.
Tại Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, có rất nhiều trường hợp gọi đến trung tâm, thậm chí có những cuộc điện thoại lúc nửa đêm hoặc gần sáng.
Họ nói rằng: Mẹ tôi, chồng tôi, con tôi đã mất, gia đình và người đã khuất mong muốn để lại một phần cơ thể nhằm cứu sống cho đồng loại. Chúng tôi đều vô cùng xúc động và trân trọng và luôn nỗ lực để tiếp nhận những nguồn tạng đó.
Tuy rằng không phải trường hợp nào, chúng tôi cũng có thể sử dụng nguồn tạng mà gia đình có nguyện vọng hiến. Ví dụ như người bệnh mới chỉ chết thực vật, không chết não, hay những người vẫn còn có cơ hội cứu sống dù tỉ lệ rất nhỏ.
Tất cả những trường hợp dù tiếp nhận được hay không tiếp nhận được, thì suy nghĩ, hành động, tâm nguyện nhân văn đó đều vô cùng đáng trân trọng. Nó giúp cho cộng đồng xã hội hiểu được, bất kì ai đều có thể trao tặng sự sống cho người còn lại, cho dù người thân của mình đã qua đời.
Từ câu chuyện của Hải An và nhiều gia đình khác nữa, họ gửi đến thông điệp rất nhân văn, tạo thành dòng chảy văn hóa, tận hiến tốt đẹp cho người dân Việt Nam.
Tôi tin rằng, ở đâu đó, Hải An đang nhìn chúng ta bằng ánh mắt an vui, bằng tất cả niềm tự hào rằng con làm được việc tốt đẹp.
Một lần nữa, chúng tôi hết sức xúc động, mong muốn hình ảnh em bé Hải An sẽ tiếp tục sống mãi, lan tỏa, đem đến niềm cảm hứng, niềm tự hào cho cho cộng đồng”.
Video: Đám tang đẫm nước mắt của nam sinh xả thân cứu 3 mẹ con đuối nước
Bình luận