Đã từng có rất nhiều trường hợp đuối nước thương tâm xảy ra khi để trẻ em chơi đùa xung quanh những khu vực ao, hồ mà không có người lớn quản lý.
Không ít khuyến cáo từ các chuyên gia y tế rằng, để phòng tránh tai nạn đuối nước, các gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương nên quản lý, giám sát chặt chẽ trẻ, không để trẻ tự ý chơi đùa gần sông, suối, ao, hồ.
Bất kỳ ai, đặc biệt là trẻ nhỏ cần phải được trang bị áo phao khi di chuyển bằng thuyền, bè, xung quanh phải có phao cứu hộ. Nên có người thành thạo trong việc cứu hộ để kịp thời cứu nạn và cấp cứu khi bị đuối nước.
Bên cạnh đó, trẻ cũng cần phải được trang bị những kỹ năng bơi, xử lý tình huống trong các trường hợp khẩn cấp cấp, nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ, tránh đuối nước.
Khi bị đuối nước, cần phải đưa người bị nạn đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu.
Mặc dù thường xuyên có những khuyến cáo liên quan tới việc phòng chống đuối nước, đặc biệt là trẻ nhỏ nhưng vừa qua, tại BVĐK tỉnh Tuyên Quang, một trường hợp đuối nước nguy kịch đã xảy ra.
Ngày 12/11, BVĐK tỉnh Tuyên Quang đã tiếp nhân cấp cứu cho bệnh nhân bị đuối nước là em Chẩu Thị Minh D., 13 tuổi, thường trú tại Phúc Yên, Lâm Bình, Tuyên Quang, trong tình trạng đuối nước nguy kịch.
Theo thông tin từ gia đình, cháu D. bị ngã xuống hồ khi đang đi chơi trên thuyền, gia đình đã phát hiện đưa lên bờ và đi cấp cứu ngay lập tức.
TS. BS Đinh Mạnh Phương, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, BVĐK tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Bệnh nhân D. đã được đưa vào khoa Hồi sức tích cực – Chống độc trong tình trạng rất nguy kịch, suy hô hấp nặng, tím tái, đã được chỉ định đặt ngay nội khí quản và thở máy, SP O2 giảm còn 8-12% khi mà chỉ số bình thường là khoảng 95%".
Video: Sơ cứu người đuối nước đúng cách - không phải ai cũng biết
May mắn là sau sau 3 ngày tích cực điều trị, chăm sóc đặc biệt, cháu D. đã qua cơn nguy kịch, không còn phải thở máy, đã tỉnh và tiếp xúc tốt.
Theo dự kiến của các bác sĩ, cháu sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.
Bình luận