• Zalo

Bé 10 tuổi da xanh, chóng mặt kéo dài, cha mẹ ngỡ ngàng khi biết nguyên nhân

Tin tứcThứ Ba, 22/11/2022 07:00:49 +07:00Google News

Bé trai 10 tuổi ở Hà Nội vào viện sau khi hoa mắt, chóng mặt ngày thứ 3 không rõ nguyên nhân.

Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất (Hà Nội) thông tin, cơ sở này mới tiếp nhận nam bệnh nhi 10 tuổi nhưng có nhiều ổ loét vùng tá tràng dẫn đến xuất huyết tiêu hóa. 

Bệnh nhân là bé N.H.T.A, vào viện vì hoa mắt, chóng mặt ngày thứ 3. Gia đình cho biết ở nhà, trẻ không có dấu hiệu bất thường gì khác.

Bác sĩ Khoa Nhi của bệnh viện khám, thấy trẻ có biểu hiện da xanh, niêm mạc nhợt, mạch nhanh, huyết áp thấp, ngay lập tức đặt sonde dạ dày. Kết quả thầy thuốc thấy ra dịch nâu, thăm hậu môn trực tràng có phân đen theo găng.

Trẻ nhanh chóng được làm các xét nghiệm máu, siêu âm và chụp X-quang ổ bụng, nội soi dạ dày kiểm tra. Kết quả, trẻ có tình trạng thiếu máu nặng do xuất huyết tiêu hóa nguyên nhân vì nhiều ổ loét vùng tá tràng.

Bé 10 tuổi da xanh, chóng mặt kéo dài, cha mẹ ngỡ ngàng khi biết nguyên nhân - 1

Bàn tay bệnh nhi thiếu máu nặng do xuất huyết tiêu hóa khi vào viện và hình ảnh sau 3 ngày điều trị (phải). 

Bệnh nhân được điều trị đặt sonde và bơm rửa dạ dày, cầm máu, truyền máu, sử dụng thuốc giảm tiết acid. Sau 3 ngày điều trị tích cực, trẻ da niêm mạc hồng, bắt đầu ăn cháo nguội, tình trạng cải thiện hơn. Nội soi kiểm tra vết loét đã cầm máu ổn định các xét nghiệm công thức máu có cải thiện rõ rệt.

Dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa ở trẻ 

Xuất huyết tiêu hóa là hiện tượng chảy máu ở đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ em với các biểu hiện lâm sàng như nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc đi ngoài phân máu với các mức độ biểu hiện khác nhau.

Tại các bệnh viện chuyên khoa Nhi lớn, xuất huyết tiêu hóa chiếm khoảng 10%-20% các trường hợp đến khám tại chuyên khoa tiêu hóa. Bệnh có thể là một cấp cứu đòi hỏi phải được chẩn đoán và điều trị kịp thời hoặc cũng có thể là biểu hiện nhẹ cho phép trì hoãn trong chẩn đoán và điều trị. 

Xuất huyết tiêu hóa có rất nhiều nguyên nhân. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà - Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ bị xuất huyết tiêu hóa trên có thể do viêm, loét thực quản; viêm dạ dày tá tràng trong ngộ độc, stress, dị ứng thức ăn, thuốc; loét dạ dày tá tràng; chảy máu đường mật hoặc do dị vật tiêu hóa.

Trẻ có u máu ruột non; viêm ruột hoại tử, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa do các vi khuẩn, ký sinh trùng xâm nhập vào niêm mạc ruột; viêm trực tràng, đại tràng do nhiễm khuẩn; viêm ruột non hoại tử ở trẻ lớn; viêm đại tràng do dị ứng thức ăn; nứt hậu môn hay chảy máu hậu môn trực tràng... cũng có thể gây xuất huyết tiêu hóa. 

Khi bị xuất huyết tiêu hóa, trẻ có thể có một số biểu hiện toàn thân như: Thiếu máu tùy theo mức độ mất máu; Khát nước, rối loạn tri giác khi mất một lượng máu lớn cấp tính. Trẻ cũng có thể thay đổi nhịp tim, huyết áp, thời gian phục hồi màu da (dấu hiệu refill)... vì bị sốc do giảm thể tích tuần hoàn. 

Các bác sĩ khuyến cáo người chăm sóc trẻ cần theo dõi và đưa trẻ khám khi có một trong các dấu hiệu:

- Trẻ xuất hiện tình trạng thiếu máu: hoa mắt chóng mặt, da xanh, mệt mỏi

- Trẻ ăn, uống kém hoặc không chịu ăn

 - Đau bụng thượng vị, ợ hơi, ợ chua

- Vàng da vàng mắt, bụng chướng hoặc to hơn bình thường

- Khát nước nhiều

- Trẻ nôn ra máu

- Phân có máu

Người chăm sóc cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay khi trẻ có một trong các dấu hiệu:

- Li bì, khó đánh thức.

- Kích thích, vật vã

- Thiếu máu nặng: da xanh nhiều, môi nhợt

- Nôn máu đỏ tươi hoặc máu cục

- Đi ngoài phân đen hoặc máu, mệt hơn sau mỗi lần nôn hoặc đi đại tiện. 

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn