• Zalo

BĐS tuần qua: Danh sách đen những dự án bất động sản

Kinh tếThứ Hai, 19/03/2012 04:15:00 +07:00Google News

Dự án chậm tiến độ khiến người dân bức xúc, đòi lại tiền góp vốn xây nhà,chủ đầu tư đề nghị kí với khách hàng phụ lục bảo mật... là những tin nổi bật tuần qua.

Dự án chậm tiến độ khiến người dân bức xúc, đòi lại tiền góp vốn xây nhà, chủ đầu tư đề nghị kí với khách hàng phụ lục bảo mật, quản lý chung cư kiêm bảo vệ bắt chẹt khiến khách hàng... là những tin nổi bật tuần qua.

Hà Nội: Gần 200 người đòi lại tiền góp vốn mua nhà

Chiều 12/3, gần 200 người góp vốn mua nhà của dự án nhà ở tại xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã đến Công ty Cổ phần Đầu tư BĐS Thuận Thành đòi lại tiền đã nộp cho chủ đầu tư.

Tòa nhà A - Dự án Cổ Nhuế của Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng. (Ảnh: Hồng Khanh-Vland) 

Họ yêu cầu chủ đầu tư trả lại tiền đã đóng mua nhà, tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, tiền lãi và tiền bồi thường thiệt hại bằng 10% số tiền đã đóng… Người mua nhà tại dự án này đã nộp cho chủ đầu tư từ vài trăm triệu đồng cho tới vài tỉ đồng để mua căn hộ từ năm 2010 với giá 12 triệu đồng/m2. Ngoài ra, họ còn phải đóng số tiền không có trong hóa đơn hơn 2 triệu đồng/m2. Ước tính chủ đầu tư thu của những người góp vốn khoảng vài trăm tỉ đồng. Tuy nhiên, đã qua hai năm nhận vốn góp của người mua nhà nhưng đến nay dự án vẫn chưa khởi công.


Cuộc thương lượng đến 19h mới kết thúc với kết quả là chủ đầu tư cam kết sẽ trả lại tiền cho những người đòi lại tiền mua nhà.

Dự án Cổ Nhuế khiến dân chung cư tủi phận

Đã 2 năm kể từ ngày nhận bàn giao căn hộ và chuyển đến sinh sống tại tòa nhà A - Dự án Cổ Nhuế của Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng, chủ đầu tư vẫn chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư cho các hộ dân ở đây để bầu ra Ban quản trị chung cư đảm bảo quyền lợi của người dân mà cả tòa nhà vẫn vận hành dựa vào tổ bảo vệ kiêm luôn công tác quản lý.

Từ đó đã xuất hiện khá nhiều bất cập trong làm ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của mọi người đang sinh sống tại tòa nhà.

Theo quy hoạch, tòa nhà gồm có một nhà trông giữ xe máy và một lán để xe ô tô với khoảng 18 chỗ nhưng theo nhiều người dân tại đây cho biết: Cả tòa nhà có khoảng 20 xe ô tô, nhưng số xe thực tế đang được trông giữ tại đây cả ở trong và ở ngoài có khi lên tới gần 50 xe.

Hiện nay, cả khu chung cư đều được vận hành dưới sự quản lý của bảo vệ còn người dân gần như không có quyền gì trong các chính sách chung. Khi các gia đình có chuyển đồ ra hoặc vào khu chung cư đều bị bảo vệ thu tiền nhưng không theo định mức nhất định người thì 50 nghìn, người 100 nghìn có khi là vài trăm nghìn.

Quyền lợi của các hộ dân trong vấn đề cấp sổ đỏ, quyền sở hữu căn hộ, tạm trú, tạm vắng vẫn chưa được thực hiện.

Mọi ý kiến của người dân về công tác quản lý, an ninh, vệ sinh…của tòa nhà người dân đều chỉ biết trình bày với bảo vệ nhưng ý kiến gần như không có trọng lượng vì không có được Ban quản trị đại diện cho tiếng nói của họ.

Sau những bức xúc của cư dân tòa nhà A - Dự án Cổ Nhuế, tối 14/3, Công ty Quản lý Nhà và dịch vụ đô thị trực thuộc Tổng Công ty (được bàn giao trách nhiệm quản lý tòa nhà từ 10/2011) đã tổ chức họp hội nghị chính thức toàn chung cư.

Trả lời về việc nhận trông giữ ô tô tại lán xe và khu vực xung quanh tòa nhà, ông Lê Minh Sơn – Phó Giám đốc Công ty Quản lý Nhà và dịch vụ đô thị Sơn cho biết: “Khu vực trông giữ xe ô tô không nằm trong thiết kế, xây dựng ban đầu của tòa nhà nhưng căn cứ vào nhu cầu thực tế của nhân dân phòng QLNĐ mới xin ý kiến của chủ đầu tư phê duyệt cho làm nhà xe mục đích chính là trông giữ xe cho người dân trong tòa nhà và một số cán bộ Bộ Quốc phòng trong khu vực Nghĩa Tân. Và nguồn thu từ bãi xe sẽ không thuộc vào nguồn thu trong tòa nhà”.

Đồng thời, ông khẳng định: Phí trông giữ xe hiện nay là 1.500.000đồng/xe/tháng trong lán và 1.000.000đồng/xe/tháng ngoài lán được thực hiện theo quyết định 47 áp dụng đối với chung cư.

Còn về mức giá dịch vụ 2.400đồng/m2/tháng đang được áp dụng tại tòa nhà cũng được đưa ra dựa trên quyết định 4520 của UBND TP Hà Nội quy định về mức phí dịch vụ chung cư. Nhưng với cả phí trông giữ xe và phí dịch vụ “sẽ lắng nghe ý kiến có điều chỉnh để đưa ra mức giá hợp lý”.

HUD "rút kinh nghiệm" trước sai phạm lớn

Liên quan tới việc dự án Vân Canh tới nay chưa sửa đổi Điều lệ quản lý, HUD cho biết, thực chất từ năm 2007, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã phê duyệt Điều lệ quản lý quy hoạch xây dựng dự án này. Sau đó, dự án được điều chỉnh quy hoạch 1/500 nên điều lệ cũng phải điều chỉnh theo.

Sai phạm lớn tại dự án Vân Canh. (Ảnh: ANTĐ) 
Từ giữa năm 2008, HUD đã trình UBND tỉnh Hà Tây bản điều lệ sửa đổi nhưng liền sau đó Hà Tây hợp nhất vào Hà Nội nên tờ trình này tới nay vẫn chưa được xem xét. HUD nhận trách nhiệm về việc này và cam kết trong tháng 3-2012, tập đoàn sẽ hoàn chỉnh điều lệ trình Sở QH-KT và UBND TP thẩm định, phê duyệt.


Về thông tin “tự chia” dự án khi chưa được giao đất, tập đoàn giải trình: “HUD có ký 6 hợp đồng ủy quyền với các công ty trực thuộc, song về bản chất chỉ là ủy quyền cho các công ty này thực hiện các quyền của chủ đầu tư trong việc triển khai đầu tư xây dựng và kinh doanh công trình trên một số lô đất chứ không phải là chuyển giao hạ tầng. Việc ủy quyền này nhằm huy động nguồn lực của các công ty con theo sự chỉ đạo tập trung của công ty mẹ để đẩy nhanh tiến độ triển khai đồng bộ dự án”.

Về kết luận chủ đầu tư xây dựng công trình chưa thực hiện đúng theo quy hoạch chi tiết 1/500 và thiết kế cơ sở, HUD cho biết, đối với 2 sân tennis tại lô CX09, theo quy hoạch 1/500 được duyệt, dự án khu đô thị mới Vân Canh có 14 lô công viên cây xanh với chức năng sử dụng đất cây xanh, công viên thể dục thể thao. Để đáp ứng nhu cầu trước mắt của người dân đến định cư tại dự án, căn cứ chức năng của lô đất, HUD đã xây dựng 2 sân tennis tại lô CX09 nhưng chưa kịp thời báo cáo, xin phép các cơ quan có thẩm quyền.

Thừa nhận có sai sót, HUD khẳng định, sẽ nghiêm túc chấp hành kết luận của Thanh tra TP và “sẽ báo cáo với UBND TP xem xét về việc xây dựng 2 sân Tennis nói trên, để đảm bảo thực hiện đúng các quy định hiện hành đồng thời đáp ứng các nhu cầu thể dục, thể thao của người dân đến định cư tại khu đô thị mới...”.

Đằng sau câu chuyện "bảo mật" của Viettracimex

Dự án khu ĐTM Kim Chung Di Trạch (Thăng Long 9) do tổng công ty Thương mại và Xây dựng (Vietracimex) làm chủ đầu tư có tổng diện tích 138,17ha với các hạng mục công trình gồm chung cư cao cấp, trung tâm thương mại và văn phòng, biệt thự liên lập, nhà ở liên kế vườn, bệnh viện, nhà trẻ, trường học... được ký kết dưới hình thức hợp đồng góp vốn.
Sai phạm lớn tại dự án Vân Canh. (Ảnh: ANTĐ) 

Theo như hợp đồng hợp tác ký kết ban đầu tại dự án, chủ đầu tư cần bàn giao mốc giới lô đất cho khách hàng, sau đó mới chuyển sang hợp đồng riêng mới về xây thô. Tuy nhiên, thời gian vừa qua nhiều khách hàng đã tá hỏa khi chưa được nhận bàn giao đất đã nhận được thông báo “huy động góp vốn bổ sung” phục vụ cho việc xây thô các khu liền kề này (10/2011). Thậm chí không ít khách hàng khi đến thăm khu đất của mình mới ngã ngửa: “Nhà đã được xây thô xong”.

Để thông báo về việc góp vốn bổ sung phía chủ đầu tư – Viettracimex đã gửi đến nhiều khách hàng dự án khu ĐTM Kim Chung – Di Trạch bản Phụ lục huy động vốn bổ sung thỏa thuận hợp tác góp vốn đầu tư đặc biệt trong đó có yêu cầu bảo mật về thông tin giữa hai bên.


Tại phục lục ghi rõ: “Bên A và bên B nhất trí sẽ không tiết lộ hay tạo điều kiện cho bất kỳ bên thứ ba nào tiếp cận với các thông tin bảo mật”.

Đã nhiều lần, khách hàng tìm đến trụ sở tổng công ty Thương mại và Xây dựng (Vietracimex) xin được gặp để bàn bạc hướng giải quyết về việc tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển sang giai đoạn xây thô nhưng đều bị phía chủ đầu tư từ chối.

Mới đây nhất ngày 24/2, nhiều khách hàng lại tiếp tục đến gặp chủ đầu tư nhưng bị bảo vệ chặn ngay từ cửa ngoài với lý do: “Phía công ty đã đi xuống công trường”. Đề nghị của khách hàng xác nhận đã đến xin làm việc cũng không được đại diện bảo vệ chấp nhận.

Chọn cách im lặng, Viettracimex đang dần xua đuổi khách hàng của chính mình và lấy đi lòng tin của họ. Đến bao giờ Viettracimex mới lên tiếng giải thích cho những điều bảo mật?

Những dự án "đắp chiếu" vô thời hạn

Hàng loạt dự án căn hộ rầm rộ khởi công vào thời điểm 2007-2008. Khi “cơn sốt” BĐS qua đi, nhiều dự án đang... trơ gan cùng tuế nguyệt.

Còn nhớ, cuối tháng 8/2007, giới kinh doanh địa ốc choáng ngợp trước lễ khởi công hoành tráng của dự án Richland Hill (số A745 - 746 Lê Văn Việt, phường Hiệp Phú, quận 9, TP. HCM). Theo thông tin chủ đầu tư công bố, vốn đầu tư ban đầu của dự án lên đến hơn 150 triệu USD, là dự án đầu tiên tại Việt Nam được thiết kế theo phong cách Terrace Building (nhà cao tầng có sân vườn trên cao), một phong cách rất được ưa chuộng tại các thành phố lớn như New York, Chicago...
Dự án Montana hiện đang cho thuê làm bãi giữ xe, quán cà phê…(Ảnh: ĐTCK)  

Dự án do Công ty Thương mại & dịch vụ Hào Quang cùng CTCP Hiệp Phú Thịnh làm chủ đầu tư, được thiết kế bởi Công ty Ove Arup (Hồng Kông) và Nagecco (Bộ Xây dựng) và được tài trợ vốn bởi Ngân hàng Đông Á. Theo kế hoạch, nhà mẫu Richland Hill được khai trương vào hè 2008 và toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào năm 2011. Không chỉ có vậy, có giai đoạn, nhiều đơn vị môi giới BĐS đã tung thông tin về mua bán “sản phẩm” của dự án này ra bên ngoài. Tuy nhiên, tới nay, Dự án vẫn chỉ là một bãi đất trống mênh mông, xung quanh được rào chắn, còn bên trong ngổn ngang những hầm sân cùng với sắt thép vương vãi.

Tương tự, đầu tháng 12/2007, CTCP Dệt may Thành Công rầm rộ tổ chức lễ khởi công Khu căn hộ thương mại Thành Công Tower 1 (đường Tân Thạnh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú). Theo đó, Dự án có diện tích 9.898 m2, có tổng vốn đầu tư trên 400 tỷ đồng. Toàn bộ Dự án gồm 3 block nhà, với 297 căn hộ (diện tích từ 50 - 137,5 m2) và 12 căn penthouse (diện tích từ 233 - 434,5 m2); 14 tầng và 2 tầng hầm. Đặc biệt, diện tích mỗi tầng hầm lên tới 9.461,3 m2, là tầng hầm có diện tích rộng nhất trong các khu nhà cao tầng tại quận Tân Phú. Kế hoạch lúc đó của chủ đầu tư là Dự án sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2009. Tuy nhiên, đến nay, đã gần hết quý I/2012 mà dự án này vẫn chỉ là một bãi đất trống, cỏ mọc um tùm mà chưa thấy bóng dáng cao ốc hoành tráng như đã giới thiệu.


Tại quận Tân Phú, còn có dự án căn hộ The Montana (số 360 Thoại Ngọc Hầu, phường Phú Thạnh), do CTCP Thương mại dịch vụ may mặc xuất nhập khẩu Ngân Thanh làm chủ đầu tư được khởi công năm 2008 cũng trong tình trạng như trên. The Montana lúc đó được chủ đầu tư quảng bá đầy hấp hẫn, nào là căn hộ cao cấp nhất của quận Tân Phú, được xây dựng theo phong cách châu Âu… Cam kết của chủ đầu tư đến tháng 6/2010 sẽ bàn giao nhà cho khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay, đất nền dự án này đang được cho thuê làm bãi giữ xe và mở quán cà phê.

Thanh tra 6 dự án nhà thu nhập thấp tại Hà Nội

Ngày 14/3, Thanh tra Bộ Xây dựng công bố quyết định thanh tra 6 dự án nhà ở thu nhập thấp tại Hà Nội do Tổng Công ty Vinaconex, Tổng Công ty Viglacera, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội - Handico làm chủ đầu tư.
Thanh tra 6 dự án nhà ở thu nhập thấp tại Hà Nội (Ảnh: Tầm nhìn) 

Điển hình như dự án tại khu đô thị Đặng Xá, dự án tại Ngô Thì Nhậm - Hà Đông... Nội dung thanh tra tập trung vào chấp hành chế độ chính sách pháp luật của chủ đầu tư và các bên liên quan. Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Gia Yên -Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết thêm, đợt thanh tra này sẽ tập trung làm rõ việc tính giá nhà thu nhập thấp của nhiều dự án có đúng nguyên tắc không.

Trước đó, kế hoạch thanh tra cũng đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng ký ban hành. Theo đó, trong năm 2012, tập trung thanh tra một số dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp và nhà ở sinh viên tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác như Thái Nguyên, Hải Phòng, Hải Dương...

Hồng Anh/ VietNamnet
Bình luận
vtcnews.vn