• Zalo

BĐS tuần qua: Đại gia nợ khủng, thứ cấp ồ ạt giảm giá

Kinh tếChủ Nhật, 06/05/2012 05:09:00 +07:00Google News

(VTC News) – Tuần qua, chủ đầu tư thứ cấp nhiều dự án căn hộ ở Hà Nội giảm giá ồ ạt và thông tin về số nợ khổng lồ của các “đại gia” BĐS là những sự kiện "hot".


(VTC News) – Tuần qua, chủ đầu tư thứ cấp nhiều dự án căn hộ ở Hà Nội giảm giá ồ ạt và thông tin về số nợ khổng lồ của các “đại gia” bất động sản là những sự kiện đáng chú ý.

Đại gia nợ trên 15.000 tỷ đồng là chuyện bình thường

Trong tuần qua, thông tin “đại gia” bất động sản Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đang nợ hơn 15.000 tỷ đồng khiến dư luận phải đặt ra dấu hỏi về “sức khỏe” tài chính của doanh nghiệp này.

Theo đó, HAGL đang có số nợ phải trả là 15.493 tỷ đồng, bằng 63% tổng tài sản, trong đó các khoản nợ phải chịu lãi suất là 11.622 tỷ đồng, bao gồm các khoản vay ngân hàng, trái phiếu thông thường và trái phiếu chuyển đổi.

Trả lời báo chí, ông Võ Trường Sơn, Phó TGĐ phụ trách tài chính cho rằng các khoản vay là “rất bình thường”, chủ yếu đầu tư vào cao su, thủy điện, phù hợp với tình hình tài chính và khả năng trả nợ trong tương lai.

Trong khi đó, theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương: Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, số nợ hiện tại của tập đoàn HAGL là quá lớn, rất đáng báo động và tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao.

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đang khiến nhiều người quan tâm 
TS Doanh cho biết, tỷ lệ nợ 63% trong tổng tài sản của HAGL cao hơn mức trung bình so với các tiêu chuẩn của quốc tế. Mỗi doanh nghiệp phải có một hệ số vốn thực và vốn vay trong giới hạn an toàn. Nếu tài chính ổn định mà vẫn đọng nợ, chậm nợ thì có thể HAGL đang có một phi vụ kinh doanh nào đó.

Ai cũng biết, “đại gia” Hoàng Anh Gia Lai có một hệ thống đồ sộ gồm nhiều công ty con, trong đó có cả công ty lĩnh vực xây dựng, bất động sản.

Năm 2011 là năm Hoàng Anh Gia Lai bị ứ đọng vốn vào nhiều dự án. Danh sách vay vốn ngân hàng của Hoàng Anh Gia Lai cũng khá dài, trong đó phải kể đến Ngân hàng BIDV, Vietcombank, Sacombank, Agribank, ACB, Vietinbank. Trong số này ngân hàng BIDV đã cho HAGL vay khoản tiền khá lớn so với các ngân hàng khác.
 
Theo thống kê, BIDV là "chủ nợ" lớn nhất của HAG với giá trị các koản vay là 2.640 tỷ, gồm 410 tỷ vay ngắn hạn và 2.230 tỷ vay dài hạn. Trong năm 2011, HAGL phải trả 464 tỷ chi phí lãi vay, trong quý I/2012, số lãi phải trả là 200 tỷ đồng.

PVN đầu tư “trá hình” vào tháp dầu khí?

Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) cho biết vừa chào bán thành công 150 triệu cổ phần (tương đương 1.500 tỷ đồng), tăng vốn điều lệ lên thành 4.000 tỷ đồng.

Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã góp thêm 1.100 tỷ đồng (tương đương với 110 triệu cổ phần) vào PVC, nâng tỷ lệ vốn sở hữu của PVN tại PVC từ 41.21% lên 53,26%. Đợt huy động vốn này nằm trong kế  hoạch tăng vốn điều lệ từ 2.500 tỷ lên 5000 tỷ đồng của PVC.

Trước đó, PVN đã phải “tháo lui” tại dự án dự án Tổ hợp khách sạn 5 sao, Trung tâm thương mại, Công viên giải trí và Tháp dầu khí tại xã Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội. Dự án này đã chính thức được Chính phủ giao cho PVC  thực hiện.

Trả lời báo chí, ông Vũ Đức Thuận, tổng giám đốc PVC, cho biết, để thực hiện dự án, PVC sẽ huy động vốn nước ngoài và một số đối tác trong nước cho Dự án Tháp Dầu khí, chứ không sử dụng vốn nhà nước và vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Tuy nhiên, trước đó, việc huy động vốn từ phát hành cổ phiếu của PVC đã không như mong đợi. Cụ thể, trong 125 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu của PVX, chỉ có 9.609 cổ phiếu được đăng ký mua, 12,5 triệu cổ phiếu chào bán cho cán bộ công nhân viên với giá 10.000 đồng/CP không có ai đăng ký mua; 100 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông chiến lược với giá 12.000 đồng/CP, không phân phối được cổ phiếu nào.

Vậy, với hơn 1000 tỷ đồng được “bơm” từ PVN, liệu nhưng đồng vốn của tập đoàn này có tiếp tục chảy vào dự án tại Mễ Trì mà PVC đang thực hiện?

Nhà đầu tư thứ cấp ồ ạt phá giá căn hộ

Một điều thú vị đang diễn ra trên thị trường căn hộ Hà Nội: hiện nay, người mua nhà có thể mua lại căn hộ từ nhà đầu tư thứ cấp với giá rẻ hơn giá bán của chủ đầu tư. Trong khi trước đây, họ phải trả một khoản chênh lệch rất lớn.

Điển hình như nhà đầu tư thứ cấp đang chào bán căn hộ The Pride trên đường Lê Văn Lương, quận Hà Đông với giá 17 triệu đồng/m2 so với giá bán cách đây 2 năm của chủ đầu tư là 20 - 21 triệu đồng/m2. Căn hộ FLC Landmark Tower trên đường Lê Đức Thọ, huyện Từ Liêm cũng được chào bán ở mức 23 triệu đồng/m2 trong khi đã có lúc chủ đầu tư công bố giá bán lên đến 30 triệu đồng/m2.

Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Tư vấn Bất động sản Sohovietnam, cho biết trong 3 tháng qua, tại nhiều dự án, nhà đầu tư thứ cấp chấp nhận bán lỗ 10 - 20% so với giá mua từ chủ đầu tư. Không ít người mua một lúc vài căn hộ trong cùng một dự án hoặc một số dự án khác nhau, nay đến hạn đóng tiền theo tiến độ, nhưng không còn tiền nên đành phải bán lỗ.

Ông Richard Leech, Giám đốc Điều hành của CBRE Việt Nam, giá chào bán căn hộ trên thị trường thứ cấp ở Hà Nội liên tục giảm xuống kể từ cuối quý II/2011. Hiện nay, người mua có thể mua được căn hộ trong vòng bán kính 5-7 km tính từ trung tâm Thành phố với mức giá bằng giá của căn hộ trong bán kính 10 km ở thời điểm 2010.

Tính chung, trong quý I/2012, giá chào bán của tất cả các phân khúc căn hộ tại Hà Nội đã giảm khoảng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý là có tới một nửa số căn hộ chào bán trong quý I/2012 có giá bán dưới 21 triệu đồng/m2, một mức giá khó có thể tìm thấy kể từ khi cơn sốt nhà đất diễn ra năm 2007. Điều đó chứng tỏ, càng ra sau, các dự án căn hộ ở Hà Nội phải chấp nhận giá bán khởi điểm ngày càng thấp hơn.

Đất nền ven đô Hà Nội giá 2 triệu đồng/m2

Tuần qua, thị trường bất động sản tiếp tục đón nhận nhiều dự án mới được bung hàng trong đó một số dự án đất nền đưa ra mức giá thấp.

Điển hình là việc CTCP Dầu khí Đông Đô (PFL) đang mở bán 22 nền đất dự án Khu đô thị sinh thái và dịch vụ Cửu Long với giá 2 triệu đồng/m2.

Đây là khu đô thị sinh thái và dịch vụ nằm ở huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình có quy mô 60ha bao gồm nhà vườn, trang trại, biệt thự cao cấp cùng các dịch vụ như điều dưỡng thẩm mỹ, chăm sóc sức khỏe...
 
Trong đó, biệt thự nhà vườn có diện tích 1.500 – 3.000m2, biệt thự loại 1 có diện tích từ 700 – 1.500m2, biệt thự loại 2 có diện tích từ 400 – 700m2 và nhà liền kề có diện tích từ 200 – 400m2.
 
Dự án do Công ty PVC Đông Đô và PVC Hòa Bình làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 450 tỷ đồng.
 
Hiện dự án đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật công trình và biệt thự mẫu.

PV(tổng hợp)


Bình luận
vtcnews.vn