Đường bay thẳng Việt – Mỹ được dự báo sẽ sôi động và các hãng hàng không Việt cũng tỏ ra hào hứng với một trong số đường bay dài nhất thế giới này. Nhưng các điều kiện để đáp ứng, chủ yếu về kỹ thuật và doanh thu, lại không hề dễ. Tính đến nay, chưa có hãng hàng không nào trên thế giới khai thác đường bay thẳng từ Mỹ đến Việt Nam và ngược lại.
Bay từ TP.HCM đến San Francisco hoặc Los Angeles
Trả lời VTC News ngày 12/9, đại diện Vietnam Airlines (VNA) cho biết hãng đã được Bộ Giao thông Vận tải Mỹ cấp giấy phép vận chuyển hành khách và hàng hóa tới nước này.
Tuy nhiên, đường bay thẳng Việt Nam – Mỹ vẫn sẽ chưa được khai triển trong thời gian tới do gặp rào cản kỹ thuật và chi phí khai thác cao. Việt – Mỹ là một trong những đường bay dài nhất trên thế giới (gần 17 tiếng bay) nên cần phải có loại tàu bay đảm bảo khai thác. Hiện VNA chưa có tàu bay phù hợp để hai thác đường bay thẳng tới Mỹ.
“VNA đang trong quá trình nghiên cứu và đánh giá loại tàu bay phù hợp nhất, bao gồm tàu bay thế hệ mới có tầm bay dài hơn để bay nonstop (bay thẳng trực tiếp), ví dụ như Boeing 777-8X và Airbus A350-1000. Tuy nhiên, lịch giao tàu sớm nhất có thể là sau năm 2022”, đại diện Vietnam Airlines nói.
Dù chưa thể cất cánh song VNA cũng đang lên kế hoạch ở khâu cuối cùng nhằm quyết định thời điểm bắt đầu khai thác đường bay thẳng. “Vietnam Airlines dự kiến mở đường bay thẳng từ TP.HCM đến Mỹ với lựa chọn ban đầu là bờ tây nước Mỹ, có thể là San Francisco hoặc Los Angeles”, đại diện Hãng hàng không quốc gia Việt Nam cho hay.
Nguyên nhân do Los Angeles và San Francisco nằm trong top 10 điểm đến tấp nập nhất trên đường bay Việt Nam - Mỹ. Đây cũng là nơi có cộng đồng người Việt lớn và hành khách ở khu vực Bắc Mỹ dễ dàng bay đến Việt Nam. Ngoài ra, theo thống kê, đường bay TP.HCM - Los Angeles đứng thứ 3, TP.HCM - San Francisco đứng thứ 15 trong tổng số các thị trường lớn nhất thế giới chưa có đường bay thẳng.
Về giá vé dự kiến khi mới mở đường bay cũng như lộ trình tăng vé khi đã hoạt động ổn định, đại diện Vietnam Airlines cho biết hiện tại có khoảng 20 hãng hàng không khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Mỹ nên gây sức ép cạnh tranh về giá bán. Đối tượng khách chủ yếu là khách du lịch và thăm người thân rất nhạy cảm về giá vé do vậy giá vé khởi điểm khi bay thẳng Mỹ sẽ do thị trường quyết định.
“Việc khai thác đi đến Mỹ gặp cạnh tranh rất lớn với các hãng hàng không bay vòng, giá vé rất thấp, chí phí lại cao do vậy khả năng tiến tới hòa vốn và có lãi là rất dài. Vietnam Airlines đang nghiên cứu các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế để cân đối hiệu quả tài chính”, đại diện VNA cho biết thêm.
Do đó, trước mắt, Vietnam Airlines tiếp tục mở rộng khai thác đến Mỹ thông qua hợp tác liên danh hai chiều với Delta Air Lines, tăng cường khả năng tiếp cận sản phẩm của VNA đối với khách Mỹ và các hoạt động quảng bá hình ảnh tại thị trường Mỹ.
Hào hứng nhưng không dễ
Ngoài Vietnam Airlines đã được cấp phép, hai hãng hàng không nội địa khác là Vietjet Air và Bamboo Airway đều tỏ ra rất hào hứng về kế hoạch bay thẳng tới Mỹ.
Dù mới gia nhập thị trường song “tân binh” Bamboo Airways mới đây công bố tham vọng khai thác đường bay thẳng đến Mỹ. Hãng này cho biết dự kiến mở đường bay thẳng đến Mỹ trong năm 2020 và sẽ có lãi ngay nhờ nhu cầu của hai triệu kiều bào, du học sinh Việt Nam đang sống và làm việc tại Mỹ.
Theo ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC - Bamboo Airways muốn mở đường bay đi Mỹ do dung lượng khách còn rất lớn. “Dân số Việt Nam là gần 100 triệu dân, còn Singapore – quốc gia châu Á hiếm hoi có đường bay thẳng tới Mỹ - chỉ có 5,8 triệu dân. Singapore Airlines phải đi kiếm khách trên cả thế giới, có cả Việt Nam, trong khi số lượng người Việt Nam ở một tiểu bang của Mỹ như California đã bằng nửa dân số Singapore. Không có lý do gì nói bay thẳng Việt - Mỹ không tiềm năng, không có khách hàng”, ông Quyết nhấn mạnh.
Ông Quyết cũng tính toán chi phí vận hành một tàu bay Boeing Dreamliner 787-9 cho đường bay thẳng hết khoảng 113 tỷ đồng/tháng, gồm tiền thuê máy bay 23 tỷ đồng, nhiên liệu, chi phí bảo dưỡng, kỹ thuật khoảng 61 tỷ đồng, chi phí mặt đất khoảng 1 tỷ đồng và chi phí khác khoảng 6 tỷ đồng…
“Nếu Bamboo Airways bán vé với giá 1.100 USD cho khoảng 240 ghế thì sẽ lỗ khoảng 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu Bamboo Airways bán vé với mức giá 1.300 USD thì số lãi ước tính đạt khoảng 8,4 tỷ”, Chủ tịch Bamboo Airways chia sẻ.
Cùng với Bamboo Airways, chia sẻ với Bloomberg, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng Giám đốc Vietjet Air - cũng cho biết sẽ chọn California là điểm đến đầu tiên tại Mỹ từ năm 2019 sau khi được phép.
Vietjet Air dự tính những chuyến bay đầu tiên sẽ nối Việt Nam với Norman Y. Mineta San Jose – sân bay quốc tế gần nơi cộng đồng người Việt sinh sống nhiều nhất cũng như rất gần khu vực San Francisco.
Dù hào hứng tham gia thị trường, song thực tế, cả Bamboo Airways và Vietjet vẫn chưa có máy bay thân rộng để đáp ứng các chặng bay dài. Và đặc biệt, hai hãng này chưa được Bộ Giao thông Vận tải Mỹ cấp phép bay thẳng.
Vietnam Airlines liên doanh hai chiều với Delta Airlines
Vietnam Airlines cho biết mới đây hãng đã ký kết với Delta Airlines, một trong ba hãng hàng không lớn của Mỹ, trong việc liên doanh linh hoạt hai chiều hệ thống cho hành khách bay nối chuyến từ Mỹ đến Việt Nam và ngược lại.
Hành khách chỉ cần đặt chỗ và làm thủ tục chuyến bay với Vietnam Airlines hoặc Delta Airlines để thực hiện toàn bộ hành trình. Việc này có thể giúp giảm thủ tục cho khách hàng, đặc biệt người có nhu cầu thường xuyên di chuyển giữa Mỹ và Việt Nam.
Theo ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - việc hợp tác giữa hai hãng đã lâu, tuy nhiên việc kết nối hệ thống lần này là bước hợp tác quan trọng, tạo sự linh hoạt và tiện lợi cho khách hàng bay nối chuyến giữa Mỹ và Việt Nam.
Ông Thành cũng cho hay, dù chưa có đường bay thẳng đến Mỹ, song mỗi năm vẫn có hàng triệu người bay nối chuyến giữa hai nước.
Bình luận