Trước đây mình luôn ghen tị với những người chẳng cần cố gắng gì mà vẫn thành công dễ dàng trong cuộc sống. Mình ghen tị với sự thông minh, duyên dáng và giàu có bẩm sinh của họ.
Nhưng giờ mình hiểu rằng cuộc sống là tổng thể của được và mất. Vượt qua chính mình và kiên trì đến cùng mới là cuộc đua công bằng nhất.
Chuyện kể rằng trong một cuộc nghiên cứu, nhà hải dương học đã đưa một con cá mập vào một hồ nước lớn, sau đó thả vài con mồi nhỏ vào trong hồ cá. Dĩ nhiên con cá mập nhanh chóng vờn một vòng và nuốt chửng bầy cá mồi.
Nhà hải dương học lại đặt một tấm kính làm bằng sợi thủy tinh trong suốt vào giữa hồ, chia hồ thành 2 khu vực cách biệt, với một bên là con cá mập, và bên kia là bầy cá mồi khác.
Cá mập nhanh chóng nuốt chửng bầy cá mồi.
Lần này cá mập lại nhanh chóng tấn công, nhưng nó va phải tấm kính và dội ngược lại. Không nản lòng, cá mập tiếp tục tấn công thêm vài lần nữa nhưng chẳng được tích sự gì.
Trong khi đó, ở phía bên kia tấm kính, bầy cá mồi vẫn nhởn nhơ bơi lội. Cuối cùng, sau gần 1 giờ lặp lại hành động tấn công này, cá mập quyết định đầu hàng.
Vài tuần tiếp theo, nhà hải dương học vẫn nhử cá mập theo cách này. Càng về sau, cá mập càng ít "hăng máu" và nó cũng ít tấn công hơn. Cuối cùng, nó chán nản vì cứ va phải tấm kính vô hình và quyết định chẳng làm gì nữa.
Nhà hải dương học sau đó gỡ tấm kính ra khỏi hồ, nhưng cá mập vẫn không hề tấn công mồi. Nó đã được huấn luyện và tin rằng có một hàng rào vô hình tồn tại giữa nó và bầy cá mồi. Vậy là từ đấy, bầy cá mồi được bơi tung tăng trong hồ mà không lo cá mập tấn công nữa.
Rốt cuộc bầy cá mồi đã được tự do bơi quanh cá mập.
Bài học:
- Rất nhiều người trong chúng ta, sau khi nếm trải nhiều thất bại cay đắng thì quyết định không cần nỗ lực nữa. Chẳng khác gì con cá mập trong câu chuyện, chúng ta tin rằng đã thất bại trong quá khứ thì tương lai cũng chẳng khác gì.
- Nói cách khác, chúng ta luôn nhìn thấy một rào chắn trước mặt kể cả khi hàng rào đó đã không còn tồn tại nữa. Đôi khi chúng ta đã tiến gần đến thành công lắm rồi nhưng lại quyết định ngừng lại. Trên đời này không thiếu kẻ cố gắng, chỉ hiếm kẻ kiên trì đến cùng.
"Tôi không thất bại. Tôi chỉ là đã tìm ra 10.000 cách không hoạt động" là cách mà nhà sáng chế vĩ đại Thomas Edison nói về hàng ngàn lần thử nghiệm thất bại để tìm ra đúng vật liệu làm sợi dây tóc trong bóng đèn. Nhưng tạo ra bóng đèn điện chỉ là một trong khoảng 1.093 bằng sáng chế tại Hoa Kì đứng tên ông, cũng như các bằng sáng chế ở Anh, Pháp và Đức.
Thomas Edison xem thất bại là một cách để sáng tạo.
Sau này khi tài năng và những sáng chế của Thomas Edison đã được toàn thế giới biết đến và công nhận, trong một lần diện kiến Tổng thống Mỹ Rutherford B. Hayes tại Nhà Trắng, ông đã trả lời câu hỏi của tổng thống về việc mình tốt nghiệp kĩ sư ở Mỹ hay tại châu Âu.
Bằng cách đưa ra một tờ giấy gấp tư trong đó có dòng nhận xét của thầy hiệu trưởng gửi về cho gia đình, ông đã khiến cho tất cả mọi người phải kinh ngạc. Nội dung trong tờ giấy có đoạn: "… trò T. Edison là một trò dốt, lười và hư.
Tốt nhất là nên cho trò ấy đi chăn lợn thì hơn vì chúng tôi thấy rằng, trò ấy có học nữa thì sau này cũng không làm được trò trống gì…".
Nếu không có sự tin tưởng và thấu hiểu từ phía gia đình, chắc chắn cả thế giới sẽ phải tiếc nuối và ân hận. Sau này, Thomas Edison đã tỏ lòng biết ơn dành cho mẹ rằng: "Mẹ tôi đã tạo ra tôi. Bà luôn tin tưởng tôi.
Tôi cảm thấy rằng mình có một lý do gì đó để sống, một ai đó để không thể làm thất vọng". Quả thật, ông đã không khiến cho gia đình, đặc biệt là người mẹ kính yêu của mình phải thất vọng.
Thomas Edison được coi là nhà sáng chế giàu ý tưởng nhất trong lịch sử, một người xem thất bại là mẹ thành công.
Lê Hồ
Bình luận