Nhà nước đang nỗ lực giảm nguy cơ và tác hại của thuốc lá với cộng đồng, song, nếu không xây dựng quy định riêng cho những dòng thuốc lá mới (thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng) mà “cào bằng chính sách” các sản phẩm này với thuốc lá điếu truyền thống, kết quả có thể gây ra nhiều hệ lụy.
Nguyễn Mạnh Hùng (35 tuổi) bắt đầu hút thuốc lá 15 năm về trước. Thuốc lá với người đàn ông này, ban đầu đơn giản chỉ là một thói quen vô thức mỗi khi căng thẳng. Nhưng sau đó anh dần nhận ra bản thân đã lệ thuộc vào nó. Anh nhiều lần quyết tâm bỏ nhưng không thành.
Lập gia đình, rồi vợ mang thai, anh tìm đến thuốc lá điện tử vì cho rằng sản phẩm này "ít độc hại hơn", rồi tiến dần tới mục tiêu là bỏ thuốc.
Tuy khá phổ biến nhưng anh Hùng và nhiều người khác chỉ biết sơ qua về loại thuốc kiểu này chứ chưa hiểu cặn kẽ về chúng, nhất là cơ chế hoạt động.
Theo chuyên gia, thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử không diễn ra quá trình đốt cháy mà dùng sức nóng của nhiệt từ thiết bị điện tử để tạo ra làn hơi. Trong khi đó, đốt cháy để tạo ra khói là đặc điểm đặc trưng của thuốc lá truyền thống. Do không có quá trình đốt cháy, không tạo ra khói, nên hàm lượng các chất từ làn hơi thuốc lá thế hệ mới hoàn toàn khác với khói thuốc lá truyền thống, vì vậy mức độ rủi ro cho sức khỏe của người tiêu dùng là khác nhau.
Hiện Việt Nam vẫn chưa có chính sách quản lý cụ thể với thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Nhiều ý kiến cho rằng cần thiết phải xây dựng văn bản pháp luật để quản lý đối với những sản phẩm này.
Thế nhưng, “quản lý ra sao” thì vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau.
Có ý kiến đề xuất cả hai loại sản phẩm đều phải được quản lý ngay theo Luật phòng chống tác hại của thuốc lá và Nghị định số 67 của Chính phủ.
Tuy nhiên, theo thành viên trong Hiệp hội thuốc lá Việt Nam, vấn đề này cần phải được “xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng hơn”. Quan điểm của Hiệp hội, đó là cả thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử cần phải trải qua giai đoạn thí điểm trước khi xây dựng khung pháp lý áp dụng cho dòng sản phẩm thế hệ mới này.
Theo lập luận của các thành viên trong Hiệp hội, thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử là kết quả của việc áp dụng công nghệ trên toàn cầu và vẫn còn rất mới mẻ với ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam, cũng như các cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó, các dữ liệu hiện có chưa đủ để xây dựng một khung pháp lý toàn diện cho các sản phẩm này, vì vậy, chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền cần có đủ thông tin chính xác nhằm đánh giá tác động kinh tế và xã hội của cả thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử trước khi xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh.
Việc đưa sản phẩm thuốc lá làm nóng vào ngay trong Nghị định 67 dẫn tới quan ngại rằng các công ty thuốc lá nước ngoài ồ ạt đưa thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử vào thị trường Việt Nam.
Điều này sẽ tác động rất lớn tới các doanh nghiệp thuốc lá truyền thống, cũng như việc làm của hàng ngàn lao động trong ngành thuốc lá và cuộc sống của nông dân trồng thuốc lá trong cả nước. Vì thế, cần có 1 giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm để doanh nghiệp trong nước chuẩn bị cạnh tranh.
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cùng Nghị định 67 khi được xây dựng và ban hành chưa hề tính đến các sản phẩm thế hệ mới. Do đó, khung pháp lý hiện thời chưa tương thích và phù hợp để điều chỉnh các dòng sản phẩm này.
Vì vậy, chương trình thí điểm là phương án thận trọng cần thiết cho việc xây dựng một khung pháp lý phù hợp cho các dòng sản phẩm thế hệ mới, tránh những tác hại không đáng có về sức khỏe, xã hội và kinh tế.
Bình luận