• Zalo

'Bầu' Kiên khẳng định vợ không liên quan

Pháp luậtThứ Ba, 02/12/2014 06:50:00 +07:00Google News

(VTC News) - Tại buổi xét xử chiều nay, 'bầu' Kiên liên tục khẳng định vợ mình là bà Đặng Ngọc Lan không liên quan đến việc bàn bạc ký hợp đồng.

(VTC News) - Tại buổi xét xử chiều nay, 'bầu' Kiên liên tục khẳng định vợ mình là bà Đặng Ngọc Lan không liên quan đến việc bàn bạc ký hợp đồng, soạn thảo nội dung mà chỉ ký theo ủy quyền.

Chiều nay (2/12), phiên tòa phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tiếp tục diễn ra. HĐXX tập trung làm rõ hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị cáo Nguyễn Đức Kiên. 
Mở đầu, HĐXX làm rõ Hợp đồng ủy thác số 010109 do bị cáo Nguyễn Đức Kiên soạn thảo. Lời khai trước tòa, 'bầu' Kiên thừa nhận bản hợp đồng này do ông viết bằng tay và nhờ ông Trung đánh máy. 
"Tôi đưa vợ tôi ký hợp đồng đầu tiên, rồi tôi làm tiếp phụ lục hợp đồng. Đến trưa tôi đưa vợ tôi ký. Đến chiều tôi đưa vợ tôi ký hợp đồng giữa B&B với ACB. Vợ tôi không nắm chi tiết nhưng tôi nhớ là chỉ đưa vợ tôi ký vài lần trong ngày" bị cáo Kiên khai trước tòa.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên khẳng định bản hợp đồng giữa công ty B&B với ACB vợ ông này không liên quan, bà Đặng Ngọc Lan chỉ ký theo ủy quyền. 
HĐXX hỏi bị cáo Kiên về vai trò của bà Hương trong hợp đồng này là gì? Bị cáo Kiên trả lời: "Vai trò quan trọng nhất là chủ thể hoạt động đầu tư này, lời – lỗ bà Hương phải chịu. Phụ lục hợp đồng do tôi viết, bà Hương ủy quyền cho cá nhân tôi và tôi thực hiện với Cty B&B".
 Bị cáo Nguyễn Đức Kiên (tức 'bầu' Kiên)

Tại phần thẩm vấn, HĐXX hỏi bị cáo Kiên: Bị cáo khai trước tòa, bà Hương ủy quyền cho bị cáo với tư cách cá nhân. Bị cáo ủy quyền cho vợ. Bị cáo đứng ở tư cách là người đại diện pháp luật của B&B. Cùng một việc làm nhưng lúc thì đứng ở tư cách này, lúc ở tư cách khác, bị cáo giải thích ra sao?
Bị cáo Kiên trả lời đây là hai hành vi nối tiếp nhau. Chính vì thế tôi mới yêu cầu vợ ký hợp đồng, nếu không tôi đã tự làm hết rồi.
Sau câu trả lời của bị cáo Kiên, HĐXX tiếp tục thẩm vấn rằng có tài liệu nào ủy thác cho bị cáo Kiên làm việc này thay B&B? Theo bị cáo này, có biên bản của B&B giao cho bị cáo thực hiện việc này. Ngay sau đó, HĐXX đề nghị kiểm tra biên bản này.
Trả lời câu hỏi của luật sư về khoản lãi của hợp đồng giữa Cty B&B và bà Hương, bị cáo Kiên cho biết: Trong mọi trường hợp không có thuế phải nộp. Hợp đồng có giá trị 2 năm, chưa bao giờ phát sinh lợi nhuận thật từ hợp đồng này, dù tính từ năm 2009 đến giờ.
Khi luật sư hỏi có bao giờ bị cáo Kiên nghĩ mình sẽ phải làm gì đó để trốn thuế hay không?
'Bầu' Kiên bình tĩnh trả lời: "Câu hỏi này khiến tôi hơi bất ngờ, vì tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ phải làm một cái gì đó để trốn thuế".
Tiếp đó, HĐXX tiếp tục thẩm vấn ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hòa Phát và ông Trần Tuấn Dương - TGĐ Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát. 
Theo cáo buộc, Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI) sở hữu gần 30 triệu cổ phần của Công ty CP Thép Hòa Phát (Thép Hòa Phát). Tháng 5/2010, ACBI thế chấp hơn 22,4 triệu cổ phần này cho ACB để bảo đảm cho việc phát hành trái phiếu 800 tỷ đồng.

Tháng 4/2012, ông Trần Đình Long và ông Trần Tuấn Dương đề nghị bán lại 20 triệu cổ phần Thép Hòa Phát (tương ứng 264 tỷ đồng) nhằm tăng sở hữu vốn của tập đoàn này tại các công ty thành viên.

Tiếp đó, ACBI đề nghị cho giải chấp 20 triệu cổ phần của Thép Hòa Phát đang thế chấp tại ACB song không được đồng ý. 

Tuy nhiên, Nguyễn Đức Kiên vẫn chỉ đạo nhân viên soạn quyết định của HĐQT để mình ký, thể hiện việc đồng ý chuyển nhượng 20 triệu cổ phần Thép Hòa Phát. Sau đó, ACBI ký hợp đồng bán 20 triệu cổ phần Thép Hòa Phát cho Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát và nhận 264 tỷ đồng. 

Sau đó, do chưa nhận được cổ phần nên Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát đã có đơn kiến nghị làm rõ lên cơ quan Cảnh sát điều tra.

Tại phiên toà phúc thẩm hôm nay, ông Trần Đình Long - Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát trình bày: “Tôi cũng đề nghị với anh Kiên để mua lại cổ phần của Thép Hoà Phát. Tất cả những thoả thuận mà anh Kiên nói ở toà sơ thẩm thì đúng là như thế!”.

Trước câu hỏi ông có biết số cổ phần đang thế chấp không, ông Long nói: “Sau khi thoả thuận rồi thì tổ chức thực hiện thôi, thực ra là tôi không biết. Đến ngày 4/9/2012 có 2 cán bộ ở Cơ quan Cảnh sát điều tra đến làm việc. Đến khi cơ quan điều tra thông báo tôi mới nắm được sự việc như vậy".

Trong phần thẩm vấn, ông Trần Tuấn Dương cho biết ông này cũng tham gia vào đàm phán với Nguyễn Đức Kiên về chuyển nhượng cổ phiếu. 

Ông Dương trả lời trước tòa: “Tôi với anh Long, anh Kiên đàm phán chính. Việc đàm phán diễn ra nhiều nơi, có lúc đồng ý, có lúc không. Cả tôi và anh Long đều không biết cổ phần bị thế chấp cho tới khi cơ quan CSĐT thông báo”.

Minh Chiến
Bình luận
vtcnews.vn