(VTC News) - Trả lời trước HĐXX, bị cáo Nguyễn Đức Kiên cho rằng chỉ kinh doanh trạng thái giá vàng.
Phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Đức Kiên (tức 'bầu' Kiên) và đồng phạm đã bước sang ngày làm việc thứ hai.
Sáng nay (1/12), Hội đồng xét xử (HĐXX) tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao đã tập trung thẩm vấn để làm rõ tội kinh doanh trái phép của bị cáo Nguyễn Đức Kiên. Từ đầu buổi, bị cáo này được Hội đồng xét xử yêu cầu cách ly để hỏi riêng bị cáo Lý Xuân Hải và đại diện Ngân hàng Nhà nước.
Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Kiên đã thông qua 6 công ty (Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại B&B, Công ty cổ phần Tập đoàn tài chính Á Châu, Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội, Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Á Châu, Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội và Công ty cổ phần Phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam) để tổ chức kinh doanh cổ phần, cổ phiếu và kinh doanh vàng, với tổng số tiền gần 21.500 tỷ đồng.
Phiên tòa xét xử 'bầu' Kiên và đồng phạm ngày 01/12 |
Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Đức Kiên nhiều lần khẳng định tòa sơ thẩm đã mắc nhiều sai lầm và bị cáo đã có lá đơn dài 118 trang để khiếu nại. "Thiên Nam có giấy phép mua bán hàng hoá. Theo luật Thương mại tất cả các bất động sản là hàng hoá. Vàng cũng là hàng hoá", bị cáo Kiên nói.
Trả lời HĐXX, bị cáo Lý Xuân Hải - Nguyên tổng giám đốc ACB, cho hay sau khi ký hợp đồng 017 với Thiên Nam, ACB không mở giao dịch tài trên khoản nước ngoài cho Thiên Nam.
Bị cáo này nói thêm, ACB có xin phép kinh doanh vàng, khi kinh doanh vàng thì tạo ra trạng thái. ACB mang trạng thái đó đi kinh doanh. Bị cáo Hải khẳng định, kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài của ACB là có thật, theo giấy phép được Ngân hàng Nhà nước cấp.
Ông Hải cho rằng, trong bản hợp đồng 017 có hai nội dung. Thứ nhất, Thiên Nam muốn mua vàng thì ACB mua từ nước ngoài mang bán. Ngược lại, nếu Thiên Nam muốn bán, nhà băng này mua và bán lại trên tài khoản nước ngoài.
"Hợp đồng giữa ACB và Thiên Nam là kinh doanh trạng thái vàng. Kinh doanh trạng thái vàng và giá vàng về bản chất là na ná, như nhau", ông Hải khẳng định.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên trong phiên tòa ngày 01/12 |
Theo bị cáo Hải, trên cơ sở hợp đồng 017, khách hàng muốn mua vàng ở nước ngoài thì ACB sẽ đặt lệnh mua trước rồi báo cho Thiên Nam. Khi vàng mang về trong nước, ACB sẽ quy về tiền đồng, sẽ cộng thêm giá nào đó (thu phí).
Sau phần thẩm vấn bị cáo Hải, bị cáo Nguyễn Đức Kiên được đưa vào phòng xét xử để HĐXX tiếp tục thẩm vấn. Bị cáo Kiên trình bày trước tòa, thời điểm 2009-2010, Thiên Nam kinh doanh tuân thủ theo Pháp lệnh ngoại hối, Nghị định 174, Thông tư 1168. Quyết định 03 của Ngân hàng Nhà nước chỉ quy định kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài.
Cũng theo ông Kiên, từ khi ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với ACB, Công ty Thiên Nam chưa thực hiện thanh toán nào, không có vàng, tiền được chuyển giao.
"Việc kinh doanh với trạng thái âm thì không phù hợp với việc kinh doanh trái phép" bị cáo Nguyễn Đức Kiên nói.
Ông Kiên khẳng định sau khi ký hợp đồng với ACB, Công ty Thiên Nam ủy quyền cho ông Kiên là người thông báo lệnh, hạn mức giao dịch đến Ngân hàng ACB qua hệ thống điện thoại ghi âm. Lý do vì hệ thống điện thoại ghi âm của ACB không nhận giọng nói của ông Lê Quang Trung, Tổng giám đốc Công ty Thiên Nam.
Theo bị cáo này, khi công ty Thiên Nam muốn giao dịch mua bán vàng, ông Trung lập phiếu lệnh gửi cho bị cáo, bị cáo đặt lệnh đến ACB qua hệ thống ghi âm. Sau đó các phiếu lệnh này được gửi đến ACB. Nếu không có các phiếu lệnh khớp thì lệnh đặt bằng điện thoại của bị cáo Kiên không thực hiện được.
Trong buổi xét xử chiều nay, HĐXX đề nghị Ủy ban chứng khoán Nhà nước trả lời bằng văn bản 2 nội dung:
Thứ nhất, 5 Công ty của bị cáo Nguyễn Đức Kiên có đến đăng ký phát hành trái phiếu tại Ủy ban chứng khoán về phát hành trái phiếu ra công chúng không?
Thứ 2, Ủy ban chứng khoán là cơ quan quản lý Nhà nước về chứng khoán, vậy công ty ACI HN có là đối tượng được phép phát hành trái phiếu theo qui định tại Điều 1, khoản 1 của nghị định 52?
Thứ nhất, 5 Công ty của bị cáo Nguyễn Đức Kiên có đến đăng ký phát hành trái phiếu tại Ủy ban chứng khoán về phát hành trái phiếu ra công chúng không?
Thứ 2, Ủy ban chứng khoán là cơ quan quản lý Nhà nước về chứng khoán, vậy công ty ACI HN có là đối tượng được phép phát hành trái phiếu theo qui định tại Điều 1, khoản 1 của nghị định 52?
Trả lời HĐXX tại phiên tòa, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, qua kiểm tra thì ACI không đăng ký đầu tư.
Minh Chiến
Bình luận