(VTC News) – Lấn sân sang nông nghiệp, bầu Đức nhanh chóng hái quả ngọt và không ngừng “đe dọa” các đối thủ, trong đó có “công chúa mía đường”.
Bầu Đức kiếm trăm tỷ
Dường như bầu Đức đầu tư vào ngành nào là ngành đó xôn xao. Từ bất động sản, cao su tới mía đường và gần đây nhất là “chăn bò”, bầu Đức đều nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận vì độ “chịu chơi”. Ở bất cứ ngành nào đã đầu tư, bầu Đức cũng mạnh tay rót cả trăm, ngàn tỷ đồng vào.
Đầu tư vào nông nghiệp từ năm 2008, tính tới nay, chỉ riêng mía đường, bầu Đức đã đổ vốn ngót ngét 90 triệu USD (hơn 1.800 tỷ đồng). Trong khi bất động sản mới đang hứa hẹn bội thu, cao su rục rịch cho trái ngọt thì mía đường đã mang về hàng ngàn tỷ đồng cho Hoàng Anh Gia Lai (HAG).
Từ năm 2013, mía đường đã trở thành “cứu cánh” cho HAG. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2013 của HAG đạt 950 tỷ đồng, tăng 160% so với năm 2012. Trong năm 2013, doanh thu ngành bất động sản chỉ ở mức khiêm tốn 247 tỷ đồng. Trong khi đó, ngành mía đường đóng vai trò cứu cánh khi mang về doanh thu 838 tỷ đồng và khoản lãi gộp 552 tỷ đồng. Đây là con số ấn tượng.
Bầu Đức và "công chúa mía đường" |
Tới quý 1/2014, mía đường tiếp tục hái trái ngọt cho HAG. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tại HAG đạt 924,84 tỷ đồng, tăng 202,54 tỷ đồng, tương ứng 28,04% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng lưu ý, doanh thu từ mía đường chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu của HAG. 3 tháng đầu năm, doanh thu từ mía đường đạt 492,29 tỷ đồng, tăng 161,57 tỷ đồng, tương ứng 48,85% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 50,06% tổng doanh thu của HAG
Điều đó cho thấy mía đường đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu và lợi nhuận của HAG. Trong năm 2014, mía đường còn hứa hẹn giúp HAG có nhiều bứt phá mạnh mẽ khi Tập đoàn này đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 1.460 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2013.
Dù chỉ là “lính mới” nhưng HAG vẫn hứa hẹn trở thành thế lực lớn trong ngành mía đường.
Ngay từ quý 1, HAG không hề thua kém so với “ma cũ”. Doanh thu từ quý 1/2014 của HAG là 492,29 tỷ đồng.
Trong khi đó, ngoài Công ty Cổ phần Đường Biên Hoà (BHS) có doanh thu vượt trội đạt 628,309, đa số các “ông lớn” còn lại đều kiếm được số tiền tương đương HAG.
Cụ thể, doanh thu của Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) là 485,53 tỷ đồng, của công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (LSS) là 429,184 tỷ đồng, của công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa (NHS) là 400,5 tỷ đồng.
Có thể thấy, trên thị trường, về mặt doanh thu, hiện tại, HAG chỉ “ngại” BHS. Nhưng HAG hoàn toàn có cơ hội vượt qua “ông lớn” ngành mía đường vì mía đường của HAG đang đi lên, còn BHS lại đi lùi.
Năm 2013, đa số các chỉ tiêu hoạt động của BHS đều không đạt mục tiêu ban đầu. Sau 6 tháng đầu năm BHS đã phải xin điều chỉnh giảm mạnh các chỉ tiêu kinh doanh, cụ thể chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2013 đã giảm từ 162 tỷ đồng xuống chỉ còn 50 tỷ đồng. Năm 2014, BHS đặt mục tiêu lợi nhuận chỉ là 2.642,72 tỷ đồng, thấp hơn 2013.
Như vậy, dù đi trước nhưng BHS vẫn đang gặp khó với HAG.
“Công chúa mía đường” tung chiêu
Trước sự xuất hiện của bầu Đức “mía đường”, các ông lớn ngành mía đường không ngại học hỏi “lính mới”.
Năm ngoái, bầu Đức đã dẫn đoàn doanh nhân và nhà đầu tư tham quan nông trường mía tại Lào. Trong các doanh nhân, người ta thấy có cả “Nữ hoàng mía đường” Huỳnh Bích Ngọc, mẹ của “công chúa mía đường” Đặng Huỳnh Ức My.
Không biết sau chuyến khảo sát đó, “nữ hoàng mía đường” đã đúc rút được điều gì và truyền lại kinh nghiệm cho “công chúa mía đường” điều gì, chỉ biết rằng tới năm 2014, “công chúa mía đường” đã có những động thái mạnh.
Tại Công ty cổ phần đường Biên Hòa, “công chúa mía đường” Đặng Huỳnh Ức My “chỉ” nắm giữ chức vụ khiêm tốn thành viên Hội đồng quản trị. Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của cô tới BHS hoàn toàn không nhỏ.
Đầu tháng 6 năm nay, “công chúa mía đường” đã gia tăng sức ảnh hưởng của mình tới BHS bằng cách mua thêm 3,1 triệu cổ phiếu BHS, nâng tổng số cổ phiếu nắm giữ lên hơn 6,1 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 9,76%.
Đặng Huỳnh Ức My là cổ đông lớn thứ tư và là cổ đông cá nhân lớn nhất tại BHS. Điều đáng nói, hai cổ đông lớn nhất tại BHS là công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) và công ty cổ phần Đầu tư Thành Thành Công là “người nhà” của Đặng Huỳnh Ức My.
Hiện, Đặng Huỳnh Ức My đang giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị SBT. Trước đây, cô là Tổng giám đốc Thành Thành Công. Tuy nhiên, khi họ Đặng gặp biến cố với Sacombank, Ức My đã từ nhiệm khỏi chiếc ghế Tổng giám đốc Thành Thành Công.
Điều đó cho thấy, sức ảnh hưởng của “công chúa mía đường” tới BHS không chỉ từ “danh phận” Thành viên Hội đồng quản trị nhỏ nhoi.
Năm 2013, khi kinh doanh không được như mong muốn, BHS đã chỉ ra một số nguyên nhân, trong đó có yếu tố cạnh tranh. Tuy BHS không chỉ đích danh bầu Đức nhưng trong làng mía đường, ai cũng biết “lính mới” Hoàng Anh Gia Lai đã khiến ngành mía đường “nổi sóng” như thế nào.
Đánh giá tình hình năm 2014, BHS nhận định: “Tuy bối cảnh kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng tốt hơn năm 2013 và các chỉ tiêu kinh tế có chiều hướng tích cực, nhưng giá đường thế giới sẽ còn diễn biến phức tạp và có xu hướng giảm”.
Để “vượt khó”, BHS đã tìm cách gia tăng sức mạnh. Và cách được lựa chọn chính là sáp nhập với Công ty cổ phần đường NInh Hòa (NHS), một ông lớn khác ngành mía đường,. Điều này cũng sẽ dẫn đến vấn đề hoán đổi toàn bộ cổ phiếu đang lưu hành của NHS thành cổ phiếu BHS.
Mục đích hoán đổi là nhằm khẳng định và nâng cao vị thế trên thị trường, cũng như nâng cao năng lực tài chính, quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh. BHS muốn sở hữu 100% NHS bằng cách phát hành thêm cổ phiếu BHS để hoán đổi lấy toàn bộ số cổ phiếu NHS đang lưu hành theo hợp đồng sáp nhập giữa hai công ty.
Thương vụ này mới chỉ bắt đầu khi hai công ty vừa hoàn thành thủ tục xin ý kiến cổ đông. Vẫn còn rất nhiều việc phải làm để NHS và BHS về một nhà để nâng cao vị thế.
Bảo Linh
Bình luận