(VTC News) – Bầu Đức cần bao nhiêu tiền để vượt qua ông Phạm Nhật Vượng và trở về ngôi vị “người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam”?
Trong năm 2014, cả Hoàng Anh Gia Lai và Tập đoàn Vingroup đều gây được nhiều tiếng vang. Nếu Vingroup ồ ạt ra mắt nhiều dự án bất động sản siêu sang thì Hoàng Anh Gia Lai lại “trúng đậm” với thành công rực rỡ của U19 Việt Nam.
Cả Hoàng Anh Gia Lai và Vingroup đều khá thành công về mặt thương hiệu. Vốn hóa thị trường hai tập đoàn này cũng tăng nhưng tốc độ đi lên vẫn kém nhiều doanh nghiệp khác như thủy sản Minh Phú hay một vài công ty bất động sản nhỏ họ Licogi, Sông Đà.
Cụ thể, sau một năm giao dịch, cổ phiếu VIC chỉ tăng 1.900 đồng/CP lên 47.700 đồng/CP. Nhờ đà tăng nhẹ của VIC, tại thời điểm 31/12/2014, vốn hóa thị trường Vingroup đạt 69.382 tỷ đồng sau khi có thêm 2.764 tỷ đồng.
Bầu Đức và ông Vượng |
HAG tăng mạnh hơn VIC nên về lý thuyết khoảng cách giữa hai vị đại gia giàu nhất sàn chứng khoán giảm xuống đôi chút. Tuy nhiên, kể từ tháng 9/2014, số lượng cổ phiếu của ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup, người đang nắm giữ ngôi vị “giàu nhất sàn chứng khoán” tăng mạnh. Vì vậy, kết quả là, ông Vượt tiếp tục bỏ xa bầu Đức về độ giàu có.
Cụ thể, kết thúc năm 2014, tổng tài sản trên sàn chứng khoán của ông Vượng tăng 804 tỷ đồng lên 20.188 tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị cổ phiếu HAG của bầu Đức “chỉ” tăng thêm 1.200 tỷ đồng lên 7.575 tỷ đồng.
Hiện ông Vượng giàu hơn bầu Đức 12.613 tỷ đồng. Vì vậy, giả sử VIC không tăng giá, muốn vượt qua ông Vượng để giành ngôi vị giàu nhất sàn chứng khoán trong năm 2015, bầu Đức phải có thêm ít nhất 12.613 tỷ đồng. Điều đó đồng nghĩa với việc cổ phiếu HAG tăng thêm 36.800 đồng/CP lên 58.900 đồng/CP.
Trong năm 2015, Hoàng Anh Gia Lai hứa hẹn có nhiều hoạt động bùng nổ khi một số sản phẩm nông sản như cao su bắt đầu cho “trái ngọt”. Vì vậy, khả năng cổ phiếu HAG tăng vọt là điều có thể xảy ra. Tuy nhiên, cổ phiếu VIC đứng im hay đi lùi lại không dễ thành hiện thực. Vì vậy, bầu Đức rất khó trở về ngôi vị số 1 trong năm 2015.
Vì vậy, nhiều khả năng trong năm 2015 bầu Đức sẽ vẫn “yên vị” ở vị trí thứ 2 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Trong khi chưa thể vượt qua ông Vượng, bầu Đức lại khó giữ được vị trí thứ 2 vì sự vươn lên của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát. Trong năm 2014, HPG tăng 18.200 đồng/CP lên 53.000 đồng/CP. HPG giúp bầu Long có thêm 2.115 tỷ đồng. Tổng tài sản trên thị trường chứng khoán của bầu Long đạt 6.160 tỷ đồng, chỉ kém bầu Đức 1.415 tỷ đồng.
Trong năm 2015, bầu Long hoàn toàn có thể vượt qua bầu Đức để trở thành người giàu thứ 2 trên thị trường chứng khoán nếu HAG không có nhiều biến động lớn. Tuy nhiên, tại thời điểm đầu năm 2015, bầu Long vẫn tạm hài lòng với vị trí thứ 3.
Đứng đầu trong danh sách những phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam nên không có gì ngạc nhiên khi bà Phạm Thu Hương, vợ ông Vượng vượt qua rất nhiều đồng nghiệp nam để đứng ở vị trí thứ 4 trong Top những người giàu nhất. Bà Hương chỉ đứng sau ông Vượng, bầu Đức và bầu Long.
Tháng 9/2014, cùng với chồng, bà Hương tăng tỷ lệ sở hữu tại Vingroup. Số lượng cổ phiếu VIC của bà Hương tăng mạnh lên gần 73 triệu đơn vị. Hiện tại, giá trị cổ phiếu VIC của bà Hương đạt 3.481 tỷ đồng sau khi tăng thêm 139 tỷ đồng.
Đứng sau chị gái Phạm Thu Hương 1 bậc, bà Phạm Thúy Hằng sở hữu khối tài sản lên đến 2.325 tỷ đồng. Tuy nhiên, vị trí thứ 4 của bà Hằng kém vững vàng khi tài sản của bà Nguyễn Hoàng Yến, thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn Masan tăng lên từng ngày. Hiên giá trị cổ phiếu MSN của bà Yến đang là 2.177 tỷ đồng.
Có thể thấy, kết thúc năm 2014, Top 5 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam không có nhiều thay đổi. Trong khi đó, Top 10 vẫn là những cái tên quen thuộc như bà Vũ Thị Hiền, vợ bầu Long, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty thủy sản Vĩnh Hoàn,…
Bảo Linh
Bình luận