Cuộc đua vào Nhà Trắng tại xứ cờ hoa đang bước vào giai đoạn nước rút khi hơn hai tháng nữa là tới ngày bầu cử định mệnh. Các chính sách đối nối và đối ngoại của hai ứng cử viên Hillary Clinton và Donald Trump đang lộ sáng.
Giành giật
Giữa một thế giới đầy bất an và bất định, nhiều quốc gia có xu hướng quay trở lại chủ nghĩa biệt lập. Ông Trump với chủ trương "chăm lo cho ngôi nhà của nước Mỹ rồi mới lo cho thế giới" nổi lên như một người hùng có thể đem lại sự thay đổi thực sự cho nước Mỹ.
Trong khi đó, bà Clinton lại là hiện thân cho những chính sách mà không ít người chỉ trích là lỗi thời, không còn hiệu quả đối trong bối cảnh nước Mỹ và thế giới đang đứng trước những thách thức chưa từng có.
Ở các bang được coi là chiến trường nóng bỏng, có khả năng quyết định kết quả bầu cử, hai ứng cử viên chính thức đại diện cho đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang tìm cách công kích lẫn nhau để thu hút cử tri.
Cả hai ứng cử viên đang dốc sức do tỷ lệ ủng hộ thấp và chiến dịch tranh cử của mỗi bên đều hi vọng biến cuộc bầu cử sắp tới thành một cuộc trưng cầu dân ý về đối thủ không hoàn hảo của mình.
Chiến dịch của bà Clinton đang mô tả ông Trump là hết sức không phù hợp để trở thành một tổng tư lệnh, chớp lấy những sai lầm của ông về an ninh quốc gia để hù dọa một cách hiệu quả người dân Mỹ về viễn cảnh khi ông ngồi trong Phòng Bầu dục.
Trong phát biểu tại đại hội đảng Dân chủ, bà Clinton nói: “Một người bạn có thể huýt sáo chế nhạo không phải là người mà bạn có thể tin tưởng giao phó vũ khí hạt nhân”.
Tuy nhiên, chiến dịch của ông Trump dường như cho rằng kết quả bầu cử không tùy thuộc vào tính cách ứng cử viên mà vào trách nhiệm cá nhân của bà Clinton.
Nhờ sự ủng hộ của những người “ngoại đạo” giúp ông giành được sự đề cử của đảng Cộng hòa, ông Trump sẽ thể hiện nữ cựu ngoại trưởng như một biểu tượng "đáng chán" cho thực trạng tinh hoa ở một đất nước mà như lời ông nói đang khát khao về những kỹ năng giải quyết vấn đề của một nhà lãnh đạo mạnh mẽ.
Nguy cơ với Hillary
Mặc dù đang chiếm ưu thế trước tỷ phú Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng, song cựu Ngoại trưởng Clinton vẫn đối mặt với những nguy cơ có thể làm thay đổi kết quả cuối cùng.
Thứ nhất, một cuộc tranh luận mang tính thảm họa. Các cuộc tranh luận sắp tới sẽ là cơ hội để ông Trump tái khởi động cuộc đua. Là một người nhiều năm hoạt động chính trị, bà Clinton được kỳ vọng sẽ chiến thắng áp đảo trước ông Trump trong các cuộc tranh luận.
Bất kỳ kết quả thấp hơn nào cũng sẽ được nhìn nhận như một điểm cộng giành cho Trump, giúp ông thậm chí giành lại được sự ủng hộ từ những người quay lưng với mình.
Thứ hai, một vụ tấn công mạng đáng xấu hổ nữa. Các cuộc điều tra dư luận cho thấy sự trung thực là điểm mà các cử tri không tin tưởng ở cựu Đệ nhất phu nhân.
Video bà Clinton 'lên cơn động kinh' khi đang trả lời phỏng vấn
Một vụ tiết lộ thông tin nội bộ nữa, như vụ lộ email của Uỷ ban Quốc gia Đảng Dân chủ hồi tháng trước, sẽ hủy hoại nghiêm trọng hình ảnh của bà Clinton.
Thứ ba, cử tri ủng hộ bà Clinton không đi bỏ phiếu. Kịch bản xấu nhất đối với Đảng Dân chủ là những cử tri ủng hộ tự do vốn được cho là sẽ ủng hộ bà Clinton không đi bỏ phiếu, trong khi ông Trump nhận được số phiếu lớn từ nhóm cử tri lao động da trắng.
Đây là nguy cơ có thật khi cuộc điều tra chung của tờ Washington Post và kênh truyền hình ABC cho thấy 57% cử tri không hài lòng với cả Clinton và Trump, trong đó những cử tri ủng hộ tự do chiếm 58%, còn cử tri bảo thủ chiếm 52%.
Thứ tư, tiết lộ những bê bối của Quỹ Clinton. Đảng Cộng hòa vẫn đưa ra những cáo buộc về việc nhiều tỷ phú nước ngoài chi tiền cho Quỹ Clinton để bà Clinton tạo thuận lợi cho họ trong quãng thời gian làm Ngoại trưởng.
Nếu những bằng chứng xác thực được đưa ra để khẳng định các cáo buộc này, uy tín của bà Clinton sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng.
Thứ năm, một cuộc khủng bố trên đất Mỹ. Ông Trump vẫn được các cử tri tin tưởng hơn trong cuộc chiến chống khủng bố. Do đó, bất kỳ cuộc tấn công nào xảy ra trên đất Mỹ sẽ có ảnh hưởng lớn tới cuộc đua vào Nhà Trắng.
Và cuối cùng, một nguy cơ khác đối với chiến dịch tranh cử của bà Clinton cũng được báo chí nêu gần đây là tình hình sức khoẻ của bà.
Những ngày gần đây xuất hiện một số hình ảnh cho thấy bà Clinton dường như bị co giật, không kiểm soát được chuyển động của đầu khi đang trả lời một cuộc phỏng vấn và gặp khó khăn khi đi lại.
Mặc dù thông tin về sức khoẻ của Clinton chưa được xác thực nhưng có thể khiến những người phản đối nghi ngờ và ảnh hưởng tới sự ủng hộ của nhiều cử tri.
Sóng gió với Trump
Trong khi đó, đường đua vào Nhà Trắng đối với tỷ phú 70 tuổi Trump cũng không dễ dàng hơn, xuất phát từ việc doanh nhân từ thương trường lấn sân sang chính trường này thiếu một chiến lược nhất quán và sự chia rẽ trong nội bộ Cộng hòa.
Kể từ khi chính thức nhận được đề cử của một trong hai chính đảng lớn nhất nước Mỹ, ông Trump đã bắt đầu có những bài phát biểu mang màu sắc chính sách hơn. Tuy nhiên, “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, Trump nhanh chóng quay về với phong cách vốn có.
Video 25.000 người yêu cầu giám định tâm thần với Donald Trump
Dư luận rất bất ngờ trước cách ông đưa ra những bình luận khó hiểu và có phần ngây thơ về nước Nga, tranh cãi và bôi nhọ gia đình một cựu binh Mỹ là người Hồi giáo thiệt mạng ở Iraq, về vấn đề súng đạn, và cả về đối thủ Clinton, cũng như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Ông Trump trả lời phỏng vấn tạp chí Times hôm 9/8: “Họ muốn thay một chút thay đổi, một chút chuyển biến gì đó. Tôi không phải là loại người thích thay đổi, và đó là điều mà tôi sẽ làm”.
Có vẻ như nhà tỷ phú này không hề vạch ra cho mình bất kỳ chiến lược tranh cử cụ thể nào và mỗi khi đối mặt với câu hỏi hay yêu cầu về việc đề ra một đường hướng cụ thể, ông Trump chỉ nhấn mạnh rằng ông là người làm việc theo bản năng. Ông tiến hành các cuộc vận động tranh cử tại các địa điểm ngẫu nhiên, thậm chí nhiều khi là ở cả những bang mà khả năng dành được sự ủng hộ của đa số cử tri là con số 0.
Ứng cử viên đảng Cộng hòa nói: “Đám đông mà chúng ta đang vận động rất đông và đa dạng. Tôi không rõ điều này nói lên cái gì, song chắc chắn là một điều tốt. Chúng ta sẽ tìm thấy câu trả lời vào ngày 8/11”.
Chính khách – doanh nhân này cũng rơi vào thế “nội công ngoại kích”. Khi các cuộc chạy đua bước vào giai đoạn nước rút, tỷ lệ ủng hộ đối với Donald Trump ngày càng sụt giảm.
Các cuộc thăm dò ý kiến mới nhất đều cho thấy bà Clinton đang dẫn trước ông Trump 6%. Tỷ phú này thực tế cũng đang đối mặt với nguy cơ bị nhiều cử tri tại các bang có truyền thống ủng hộ đảng Cộng hòa quay lưng lại.
Không chỉ vậy, ông Trump hiện còn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức ngay từ chính nội bộ đảng Cộng hòa.
Hơn 70 đảng viên đảng Cộng hoà, kể cả các cựu nghị sỹ và giới chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Reagan, và cả hai vị Tổng thống Bush cha và con, gửi thư đến Chủ tịch Uỷ ban Toàn quốc đảng Cộng hoà Reince Priebu, đề nghị ủy ban này ngưng sử dụng tiền bạc, thời gian, nhân viên của đảng Cộng hoà, cũng như các chương trình quảng cáo ủng hộ ông Trump, và thay vào đó sử dụng các tài nguyên ấy để ủng hộ các ứng cử viên đảng Cộng hoà vận động giành ghế trong Hạ viện và Thượng viện.
Họ cho rằng cơ may ông Trump thắng cử vào tháng 11 tới đây đang “tan biến từng ngày”. Theo trang mạng politico.com, bức thư này có đoạn: “Chúng tôi tin rằng sự chia rẽ, liều lĩnh, thiếu năng lực, và sự ngán ngẩm đến tột độ của công chúng đối với Donald Trump sẽ biến cuộc bầu cử này thành chiến thắng áp đảo cho đảng Dân chủ”
Chủ nhân Nhà Trắng sẽ được quyết định trong hai tháng tới và từ nay tới thời điểm đó, chính trường Mỹ sẽ được chứng kiến những đường chạy nước rút ngoạn mục.
Bình luận