Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ gần đây nhất diễn ra vào ngày 8/11/2016. Cuộc bầu cử kế tiếp dự kiến diễn ra vào Ngày Bầu cử - ngày thứ Ba, sau thứ Hai đầu tiên của tháng 11, tức là 3/11/2020.
Luật pháp Mỹ quy định mọi công dân Mỹ trên 18 tuổi, hiện không phải chấp hành án phạt tù hoặc bị tước quyền bầu cử đều có quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử cấp liên bang (quốc gia), cấp bang và địa phương. Năm 2020, có khoảng 224 triệu cử tri Mỹ đủ các điều kiện này. Theo phân tích của Trung tâm nghiên cứu Pew, cuộc bầu cử năm này đa dạng về độ tuổi và "trẻ trung" hơn bao giờ hết.
Cuộc đua vào Nhà Trắng bắt đầu từ tháng 1/2019 khi các ứng viên Tổng thống bắt đầu giành giật quyền đề cử làm ứng cử viên chính thức của đảng ra tranh cử tổng thống. Với việc Tổng thống Trump gần như chắc chắn sẽ là cái tên được đảng Cộng hòa lựa chọn, người ta chỉ đang chờ đợi vào cái tên được đề cử từ đảng Dân chủ.
Các cử tri sẽ không trực tiếp chọn ra Tổng thống mà bỏ phiếu cho các đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc thông qua 2 hình thức bầu cử sơ bộ là họp kín. Hầu hết các bang hiện nay tổ chức bỏ phiếu sơ bộ, theo đó cử tri đi tới một địa điểm bỏ phiếu, bỏ lá phiếu của họ vào thùng phiếu hoặc bỏ phiếu từ xa. Một số ít bang áp dụng họp kín thường kéo dài hàng giờ với nhiều vòng bỏ phiếu mà tại đó các cử tri có thể thay đổi cái tên mà mình chọn cho tới khi một ứng viên nổi lên là người chiến thắng.
Mục tiêu của các ứng viên thông qua các cuộc họp kín và bỏ phiếu sơ bộ này là tích lũy các đại biểu tham gia bầu ra ứng viên đề cử của đảng.
Dự kiến vào năm nay, cuộc bỏ phiếu sơ bộ cuối cùng sẽ diễn ra ở Puerto Rico vào tháng 6.
Giữa tháng 7 sẽ là thời điểm diễn ra đại hội đảng của đảng Dân chủ, nơi xác nhận ứng viên được đề cử của họ. Ở phía bên kia, Tổng thống Trump gần như chắc chắn sẽ nhận đề cử tại đại hội đảng ở Charlotte, Bắc Carolin từ ngày 24-27/8.
Sau khi những cái tên được đề cử của mỗi đảng được công bố, họ sẽ chọn một người cùng ra tranh cử Phó tổng thống, thường là một trong số những người bị họ đánh bại trong đại hội đảng.
Khoảng thời gian kế đó sẽ là giai đoạn khốc liệt nhất trong tiến trình bầu cử: vận động tranh cử. Các ứng viên đảng Cộng hòa và dân chủ sẽ bỏ ra một khoản chi phí khổng lồ cho các hoạt động quảng cáo, tuyên truyền để lôi kéo các lá phiếu.
Điểm nhấn trong giai đoạn này là 3 cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình, nơi các cử tri sẽ nắm được sách lược cũng như định hướng của ứng cử viên mỗi đảng.
Tới ngày 3/11, 224 triệu cử tri Mỹ sẽ đi bầu cử. Tuy nhiên, lá phiếu của họ sẽ không trực tiếp quyết định ai trở thành Tổng thống mà để chọn ra các đại cử tri.
Cả nước Mỹ hiện có 538 đại cử tri. Số đại cử tri của mỗi bang tương ứng số Thượng Nghị sỹ và hạ sỹ nghị sỹ của mỗi bang trong Quốc hội Mỹ. Thủ đô Washington không có nghị sỹ trong Quốc hội nhưng vẫn có 3 phiếu đại cử tri. Bang chiếm nhiều đại cử tri nhất là California với 55, tiếp đó là Texas - 38, New York - 29. Các bang có ít đại cử tri nhất là Alaska, Delaware, Montana, North Dakota, South Dakota, Vermont, Wyoming, tất cả chỉ được bầu ra 3.
Trên thực tế số phiếu đại cử tri được tính theo nguyên tắc ứng viên nào giành được đa số phiếu phổ thông (50,1% số phiếu phổ thông trở lên) sẽ được trao 100% số phiếu Đại cử tri của tiểu bang đó. Điều này đồng nghĩa một ứng viên có thể trở thành Tổng thống kể cả khi họ thua phiếu phổ thông so với đối thủ.
Minh chứng rõ ràng nhất cho trường hợp "tréo ngoe" này là cuộc bầu cử năm 2016 khi "ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump" đắc cử dù ông thua đối thủ Hillarry tới 2 triệu lá phiếu phổ thông.
Bình luận