• Zalo

Bắt tạm giam ông Đinh La Thăng: 'Cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng ngày càng quyết liệt'

Thời sựThứ Sáu, 08/12/2017 19:57:00 +07:00Google News

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, việc khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng, của tập thể Bộ Chính trị ngày càng quyết liệt.

Ngày 8/12, trả lời PV VTC News, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, việc khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng, của tập thể Bộ Chính trị ngày càng quyết liệt và có sự thống nhất cao độ.

dinh-la-thang-6

 Ông Đinh La Thăng.

"Tất nhiên, trước khi khởi tố, bắt tạm giam ông Thăng thì cơ quan điều tra phải có hồ sơ, chứng cứ rõ ràng và có một quá trình chuẩn bị chu đáo. Cá nhân tôi không bình luận gì nhiều bởi cơ quan điều tra sẽ làm các bước tiếp theo và xác định rõ ràng về tội, song tôi ủng hộ việc này và nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cuộc chiến chống tham nhũng không chỉ “củi khô” mà cả “củi tươi”, nếu anh sai phạm thì vẫn bị xử lý, không có vùng cấm”, tướng Thước nói.

Cũng có cùng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng khẳng định việc xử lý kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng là “đúng người, đúng tội”.

Ông Phúc nhận định cơ quan điều tra đã điều tra kỹ lưỡng trước khi bắt tạm giam. Việc bắt tạm gia được thực hiện khi đã có đủ chứng cứ, pháp lý. 

Vì vậy, vị nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng cũng không bất ngờ khi biết thông tin ông Đinh La Thăng bị khởi tố, bắt tạm giam.

“Đây là những sai phạm của cả một quá trình lâu dài từ trước. Bây giờ các cơ quan điều tra đã vào cuộc”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nói.

Trước đó, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc kiểm tra về công tác Đảng. Sau đó, cơ quan điều tra của Bộ Công an cũng vào cuộc để làm rõ.

“Cơ quan điều tra của Bộ Công an đã có đầy đủ chứng cứ thì mới bắt tạm giam ông Đinh La Thăng được”, ông Phúc bày tỏ.

Nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng cho rằng hiện nay, nhiều trường hợp quan chức bị khởi tố liên quan đến tham nhũng và dính dáng đến các vấn đề kinh tế. Vì vậy, việc các cơ quan điều tra vào cuộc là hợp lý.

Đánh giá về quá trình xử lý kỷ luật với ông Đinh La Thăng, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng việc làm này rất bài bản với cả một quá trình điều tra với đầy đủ chứng cứ pháp lý mới xử lý được.

“Việc này không thể hấp tấp vội vàng được. Tôi thấy rằng kỷ luật nội bộ Đảng đến khi cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc thì tất cả mọi việc đều được làm theo đúng quy trình và rất căn cơ, bài bản”, PGS.TS Phúc đánh giá.

Video: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giải thích việc kỷ luật ông Đinh La Thăng

Ngày 8/12, Bộ Chính trị đã quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng, sinh hoạt cấp uỷ (gồm cả sinh hoạt Ban Chấp hành Trung ương) đối với ông Đinh La Thăng, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương từ ngày 8/12/2017 theo Quyết định khởi tố bị can số 522/C46, ngày 08/12/2017 và Lệnh bắt tạm giam số 134/C46, ngày 08/12/2017 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an.

Thời hạn đình chỉ được tính theo thời hạn quy định của pháp luật (kể cả gia hạn, nếu có). Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Kinh tế Trung ương, Đảng uỷ Công an Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương và ông Đinh La Thăng thi hành Quyết định này.

Quyết định trên căn cứ Điều lệ Đảng; Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá XII; Căn cứ Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương quy định thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng và theo đề nghị của Đảng uỷ Công an Trung ương và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

Ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, hiện là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đại biểu Quốc hội khóa XIV, liên quan đến hai vụ án kinh tế nghiêm trọng mà cơ quan Công an đang điều tra.

Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra 2 vụ án liên quan đến trách nhiệm của ông Đinh La Thăng.

 Vụ án thứ nhất là cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự); lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280 Bộ luật Hình sự), gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (Oceanbank).

Vụ án thứ hai là cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản (Điều 278 Bộ luật Hình sự) xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình II.

Chiều 8/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã họp phiên bất thường, thông qua hai nghị quyết với sự đồng thuận của tất cả Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về việc cho thôi đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (sau này là Hội đồng thành viên) Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).

Tóm tắt sự nghiệp của ông Đinh La Thăng

Ông Đinh La Thăng sinh ngày 10/9/1960 ở xã Yên Bình huyện Ý Yên, Nam Định.

Năm 1983, sau khi tốt nghiệp đại học từ Trường Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính), ông Đinh La Thăng công tác tại Công ty Cung ứng Vật tư thuộc Tổng công ty Xây dựng Thuỷ điện Sông Đà với chức vụ là kế toán viên. Năm 1988, ông lên chức kế toán trưởng và Bí thư Đoàn thanh niên của công ty.

Năm 2003, ông Đinh La Thăng là chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây dựng Thuỷ điện Sông Đà.

Tháng 11/2003, ông Đinh La Thăng giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên – Huế, đồng thời là đại biểu Quốc hội khóa XI, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.

Năm 2005, ông được cử làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Tháng 12/2008, ông Đinh La Thăng là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Năm 2011, ông Đinh La Thăng giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Ông giữ chức này trong 5 năm đến năm 2016.

Tháng 1/2016, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông Đinh La Thăng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.

Tháng 2/2016, ông Đinh La Thăng được Bộ Chính trị phân công giữ chức Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh.

Ngày 7/5/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khoá XII với tỉ lệ phiếu biểu quyết rất cao, trên 90%.

Ngày 10/5/2017, ông Đinh La Thăng thôi giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM, được giao giữ chức Phó Ban Kinh tế trung ương.

Phạm Thịnh - Lưu Thuỷ
Bình luận
vtcnews.vn