Theo kết quả một cuộc khảo sát về doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương được Văn phòng Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố sáng ngày 14/2 tại Hà Nội, quản lý người Việt trong các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế tạo của Nhật Bản tại Việt Nam có thu nhập 14.629 USD (khoảng 330 triệu đồng) trong năm 2016.
Theo báo cáo, con số này chỉ cao hơn thu nhập của người địa phương làm việc cho các doanh nghiệp Nhật Bản ở Campuchia, Lào và Myanmar.
Thu nhập của quản lý người Việt chỉ bằng 23% thu nhập của người Singapore và khoảng 60% thu nhập của đồng cấp người Thái Lan và Trung Quốc làm việc cho các công ty Nhật ở các nước tương ứng.
Cũng trong khối chế tạo, công nhân người Việt làm việc cho các doanh nghiệp Nhật được lĩnh 4.025 USD năm 2016, chưa bằng ½ thu nhập của công nhân làm việc cho doanh nghiệp Nhật Bản ở Trung Quốc.
Trong khối phi chế tạo, nhân viên người Việt được lĩnh trung bình 6.840 USD/năm tại các doanh nghiệp Nhật Bản và con số này là 16.028 USD cho quản lý của khối phi chế tạo. Các mức này chỉ cao hơn ba nước láng giềng là Campuchia, Myanmar và Lào.
Báo cáo cũng cho thấy, thu nhập của công nhân trong khối chế tạo Nhật Bản tăng khoảng 2,2 lần trong thời kì 2010-2016, đây là mức tăng mạnh nhất trong các nhóm người lao động. Quản lý của khối chế tạo tăng mạnh thứ hai, ở mức 43,6% trong thời gian trên.
Ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện JETRO tại Việt Nam, nhận xét rằng mức lương phản ánh Việt Nam vẫn là thị trường có chi phí nhân công trẻ so với các nước khác.
Tuy vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn nhìn nhận chi phí nhân công ở Bangladesh, Lào, Philippines và Campuchia hấp dẫn hơn so với Việt Nam.
Chi phí nhân công tăng cao cũng là một trong những rủi ro hàng đầu đối với các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Khảo sát năm 2016 cho thấy doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam coi “Chi phí nhân công tăng cao” là một rủi ro lớn nhất trong môi trường đầu tư, với 58% số doanh nghiệp chỉ ra điều này.
Qua tiếp xúc với các doanh nghiệp Nhật Bản, ông Atsusuke Kawada cho biết họ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tuyển dụng lao động tại Việt Nam do phải chi trả lương nhiều hơn và khan hiếm nhân lực có trình độ.
Bình luận