TS Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường mới đây đã tiết lộ trên báo Khoa học phát triển về việc các thiết bị đo đạc, quan trắc đã phát hiện chất độc thủy ngân trong không khí - một vấn đề mà các nhà khoa học trong nước và trên thế giới đều đang lo ngại.
Phát hiện thủy ngân trong không khí, có đáng lo? |
Vì sao trong không khí ở Hà Nội xuất hiện thuỷ ngân?
Trả lời phỏng vấn phóng viên VTC News, GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng - Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc một số trạm quan trắc phát hiện chất độc thủy ngân trong không khí là do thủy ngân từ trong xăng dầu bốc lên.
Theo ông Đăng, thành phần thủy ngân có trong dầu không phải đương nhiên có mà tùy loại xăng dầu. Thời điểm phát hiện chất độc thủy ngân trong không khí có thể là lúc xăng dầu có chứa thủy ngân tại các trạm xăng bay lên, dẫn đến nồng độ lớn hơn chỉ số quy định cho phép của nhà nước.
|
Chất thủy ngân là kim loại nặng, là chất độc hại, người nhiễm nặng sẽ rất nguy hiểm. Chất này nếu tồn dư trong cơ thể con người lâu ngày sẽ gây nên bệnh ung thư.
Tuy nhiên, theo GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng, với mức độ phát hiện ra thủy ngân có trong không khí như hiện nay chưa đến mức cảnh báo, mới là phát hiện ở một khu vực nào đó thôi.
"Cái quan trọng là nhà nước phải quan trắc môi trường nghiêm túc để theo dõi, phát hiện chất độc này nếu có. Nếu vượt mức độ cho phép thì phải kiểm tra và có biện pháp khắc phục ngay. Còn hiện nay để đưa ra đánh giá chung thì khó lắm", GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng nói.
Ngoài ra, cơ quan nhà nước nên có quan trắc và tiến hành quan trắc, theo dõi không khí xung quanh, các yếu tố bụi, CO2,....Đối với trạm xăng cần theo dõi chặt chẽ hơi xăng dầu.
"Cái này quan trọng lắm vì hơi xăng dầu ở đâu cũng có. Hơi xăng dầu là chất gây ung thư phổi, cái này hầu hết trạm xăng đều có, các gia đình để xe máy bị hở xăng cũng bay ra. Cái hơi này là phổ biến và ở các nước đều phải kiểm tra", ông Đăng khuyến cáo.
Trong khi đó, lý giải về việc xuất hiện thủy ngân trong không khí ở Hà Nội, theo TS Vật lý Nguyễn Văn Khải (thường gọi là “ông già ôzôn”), nguyên nhân chủ yếu lại do thói quen của nhiều người dân Việt Nam.
“Đừng trách Chính phủ, chính quyền mà hãy trách người dân, bởi họ dùng xong bóng đèn huỳnh quang lại đi vứt đầy ngoài đường. Trong khi đó, những bóng đèn này lại chứa rất nhiều thủy ngân”.
Với câu hỏi “Tại sao ngày càng có nhiều thủy ngân trong không khí”, TS.Khải lý giải: Ở những con đường dành cho người đi bộ, Chính phủ toàn lắp đèn cao áp thủy ngân và trong các buổi họp lớn cấp quốc gia, nhiều đơn vị cũng lắp đèn chiếu sáng chứa nhiều thủy ngân.Còn theo BS.Nguyễn Đức Thắng (Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học cổ truyền): Bóng đèn chỉ là một trong những nguyên nhân nhỏ, bởi khi vỡ, người dân đều vứt trong thùng rác, được thu gom để đưa đi phân hủy và khi phân hủy, thủy ngân cũng bay lên nhưng khối lượng đó không đủ nhiều để gây ô nhiễm môi trường một cách rộng rãi.
“Tôi nghĩ chủ yếu do sự độc hại của các hóa chất như nhựa, đồ phế liệu ở các cơ sở sản xuất, những cơ sở này đẩy thủy ngân ra thị trường qua hệ thống mương máng. Các cơ quan quản lý môi trường cần giám sát và kiểm tra gắt gao hơn để xử lý triệt để chuyện này” – BS Thắng nói.
Hít phải thuỷ ngân cực nguy hiểm
Cũng theo bác sỹ Thắng, thủy ngân trong không khí rất độc hại và nếu thường xuyên hít phải thủy ngân, người dân Việt sẽ “lãnh đủ”.
Bác sỹ Thắng phân tích: Nếu hít phải thủy ngân có thể gây bệnh phổi nặng cấp tính. Bởi thủy ngân vốn là chất rất dễ ngấm vào da thịt con người, ngoài ra, thủy ngân trong không khí là thủy ngân nhiệt - bay lên trong không khí rất dễ ứ đọng trong khí quản, từ đó gây ứ đọng trong phổi, tạo ra hiện tượng tắc nghẽn tế bào phổi hay còn gọi là tắc nghẽn phế nang đỏ (tiểu phế nang).
Khi đó, cơ thể con người dễ dẫn tới tình trạng khó thở, y học gọi là bệnh khí phế suyễn, dần dần tất cả những bệnh này ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của máu, làm cho máu giảm lượng ô xy, cơ thể con người sẽ yếu đi. Thủy ngân tác động trực tiếp vào các lớp tế bào sẽ ảnh hưởng tới các hệ thống dây thần kinh, đầu tiên là hệ thống dây thần kinh ngoại biên, thần kinh sọ não… Bác sĩ Nguyễn Đức Thắng
Bệnh viện Y học cổ truyền
“Thủy ngân trong không khí khi hít vào sẽ xâm nhập vào phổi, từ phổi đi qua máu rồi truyền qua các vùng tiêu hóa. Nếu bị hít thở nhiều hơn gây hiện tượng ngộ độc tiêu hóa hoặc gây hoại tử tế bào ruột từ ruột non cho tới ruột già” – bác sỹ Thắng cho biết.
Không chỉ ảnh hưởng tới đường hô hấp, tiêu hóa, mức độ nguy hiểm của không khí chứa thủy ngân còn ở chỗ: Nó gây ngộ độc thần kinh bởi khi thủy ngân tác động trực tiếp vào các lớp tế bào sẽ ảnh hưởng tới các hệ thống dây thần kinh, đầu tiên là hệ thống dây thần kinh ngoại biên, thần kinh sọ não…
Đặc biệt, khi trẻ hít phải thủy ngân sẽ hấp thu nhanh qua đường hô hấp, qua màng phế nang vào máu đến thận, gan lách và hệ thần kinh trung ương.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo: Trẻ em hít phải thủy ngân có thể gây mất trí nhớ, viêm miệng, lơ mơ, co giật, nôn ói và viêm ruột. Trong một số trường hợp, có thể gây ra ngộ độc cấp tính, suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu tiếp xúc lượng thủy ngân nhiều.
Vị bác sỹ của Bệnh viện Y học cổ truyền khuyên nhủ: Để tránh ngộ độc do ô nhiễm môi trường hay nói cụ thể là tránh hít phải thủy ngân trong không khí, ngoài việc ăn uống để tăng sức đề kháng, người đi đường nên đeo khẩu trang đầy đủ. Nhưng bác sỹ Thắng nhấn mạnh: Khẩu trang phải đạt tiêu chuẩn cao, tốt nhất là khẩu trang y tế hoặc khẩu trang có hoạt tính, chứ nếu chỉ đeo khẩu trang thông thường bán ngoài thị trường với mức giá rẻ từ 5.000 – 10.000 đồng thì không ngăn được thủy ngân mà chỉ ngăn được vi khuẩn trong khói bụi.
Châu Anh - Ngọc Hân
Bình luận