• Zalo

Bật mí về nơi sở hữu hệ thống tên lửa 'bầy sói'

Thời sựThứ Năm, 07/05/2015 12:25:00 +07:00Google News

Lữ đoàn tên lửa bờ 681 Hải quân (Bình Thuận) là nơi sở hữu tổ hợp tên lửa đất đối hải Bastion-P – tên lửa phòng thủ bờ biển di động tối tân bậc nhất hiện nay.

Lữ đoàn tên lửa bờ 681 Hải quân (Bình Thuận)là nơi sở hữu tổ hợp tên lửa đất đối hải Bastion-P – tên lửa phòng thủbờ biển di động tối tân bậc nhất hiện nay.

Có một cảm xúc tự hào cộng với sự vững tin trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo khi thăm lữ đoàn tên lửa bờ 681, nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7-5-1955 - 7-5-2015)


Lữ đoàn tên lửa bờ 681 Hải quân (Bình Thuận) là nơi sở hữu tổ hợp tên lửa đất đối hải Bastion-P – tên lửa phòng thủ bờ biển di động tối tân bậc nhất hiện nay.

Trên thế giới chỉ có ba quốc gia sở hữu được Bastion-P: Nga (nước sản xuất), Việt Nam và Syria.

“Nhiệm vụ của hệ thống tên lửa phòng thủ bờ là bảo vệ khu vực bờ biển và bảo đảm an toàn các tàu chiến đấu của ta khi có xung đột quân sự xảy ra. Ở cự ly 300km, tổ hợp tên lửa này có thể tấn công tất cả các loại tàu mặt nước từ tàu đổ bộ, tàu vận tải yểm trợ, cụm tàu chiến và máy bay cũng như hạm tàu đơn lẻ. Phạm vi hỏa lực của dàn tên lửa bờ này gây nhiều khó khăn cho lực lượng tàu đối phương tiếp cận, áp sát tàu mình ở khoảng cách này” - thượng tá Nguyễn Đình Tự (phó lữ đoàn trưởng phụ trách quân sự) nói.

Một buổi tập luyện của cán bộ chiến sĩ lữ đoàn 681 với dàn tên lửa hiện đại - Ảnh: Trọng Thiết 

Thành trì bảo vệ Tổ quốc từ phía biển

Lữ đoàn trưởng - đại tá Nguyễn Hưng Long giải thích thêm: “Trong chiến đấu, tên lửa bờ không tác chiến riêng lẻ mà phối hợp với nhiều lực lượng khác: không quân, tàu tên lửa, tàu ngầm... Trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, khi có xung đột quân sự trên biển, bộ đội tên lửa bờ là lực lượng xung kích đầu tiên với nhiệm vụ phải bảo đảm tạo được không gian chiến trường cho các lực lượng khác chiến đấu. Cho nên lực lượng tên lửa bờ đã vào trận đánh là phải chắc thắng.

Tên lửa bờ Bastion-P có khả năng răn đe rất lớn. Trong phạm vi hỏa lực của nó (300km), biên đội tàu địch gặp nhiều khó khăn khi phải triển khai đội hình hoặc phải triển khai đội hình ngoài phạm vi hỏa lực. Và đó là thời điểm tạo điều kiện cho tàu ta không bị phong tỏa, hỗ trợ các lực lượng hiệp đồng khác tăng thêm sức mạnh và khả năng chiến đấu”.

Thượng tá Nguyễn Đình Tự giải thích trong tiếng Nga “bastion” nghĩa là “thành trì”. Tổ hợp tên lửa này được mệnh danh là “hệ thống tên lửa bầy sói” vì tính năng dũng mãnh của nó: phạm vi tiêu diệt mục tiêu rộng, trần bay thấp, tốc độ cao (rađa đối phương khó quét và nếu có phát hiện thì không xử lý kịp)...

“Các loại tên lửa đất đối hải hiện nay không loại nào sánh kịp với Bastion-P. Chưa có loại tên lửa đất đối hải nào chống được loại tên lửa này” - thượng tá Nguyễn Đình Tự cho hay.

Theo thông tin từ nhà sản xuất, mỗi tổ hợp tên lửa Bastion-P có khả năng bảo vệ vùng bờ biển dài 600km. Đặc biệt, chỉ năm phút sau khi nhận lệnh, Bastion-P có thể chuyển từ trạng thái hành quân sang sẵn sàng chiến đấu. Rađa Monolit-B - “mắt thần” của tổ hợp tên lửa này - cùng lúc quan sát được năm mục tiêu, bám sát mười mục tiêu.

Lữ đoàn 681 duyệt đội hình tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hải quân Việt Nam - Ảnh: Tiến Thành 

Đất và người ở vùng nắng, gió


Lữ đoàn tên lửa bờ 681 có “tuổi đời” còn rất trẻ: mới thành lập ngày 23-8-2006. Chính ủy lữ đoàn 681 - đại tá Đỗ Minh Tuấn tự hào cho biết năm 2010 đơn vị đã đạt thành tích đặc biệt khi tiếp nhận bàn giao, nghiệm thu, đào tạo, huấn luyện sử dụng... và đưa vào đội hình chiến đấu vượt kế hoạch ba tháng.

Trước đó năm 2009, dàn sĩ quan khung đầu tiên gồm những người được lựa chọn rất kỹ trong toàn quân chủng và đưa đi Nga đào tạo.

Vì vũ khí khí tài rất hiện đại, hàm lượng kỹ thuật cao nên con người phải là những lựa chọn tốt nhất: trẻ, có sức khỏe, có trình độ và bản lĩnh. Không có người đi trước để rút ra kinh nghiệm, thời gian có hạn, anh em làm theo đúng lời thầy: “vắt kiệt trí tuệ của thầy”.

Trong hai tháng học lý thuyết, hai tháng học trên máy thật ở nhà máy sản xuất, cứ 3-5 ngày giáo viên lại kiểm tra một lần.

Vượt qua khó khăn ban đầu về ngoại ngữ, các trắc thủ đã chinh phục được tất cả kỳ kiểm tra gắt gao, nghiêm ngặt về chuyên môn và đạt điểm khá, giỏi. Khung sĩ quan đầu tiên này sau đó về nước, đủ khả năng đào tạo lại cho các kíp đàn em.

Dàn sĩ quan hiện nay ở lữ đoàn là những người được tuyển chọn kỹ từ Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Hải quân, Phòng không không quân và cả nước ngoài về. Điều tôi ngạc nhiên nhất là những con người đang làm chủ hệ thống vũ khí hiện đại này đều rất trẻ. Nhiều người trong số họ mới ra trường 1 - 2 năm, thậm chí mới ba tháng.

Năm 2013, vừa tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật quân sự, 24 tuổi, trung úy Nguyễn Thanh Huy đã là phó trưởng ngành kiểm tra tổng hợp - ngành “trái tim” của trạm kỹ thuật. Ở bộ phận của Huy toàn dân 9X, 8X. Ngành trưởng cũng chỉ sinh năm 1986.

Chàng sĩ quan 26 tuổi chia sẻ: “Làm việc với hệ thống tên lửa này mình mới biết tên lửa to, hiện đại và phức tạp như thế nào. Chúng tôi tự hào nhưng cũng cảm thấy áp lực và trách nhiệm rất cao. Chúng tôi xác định từ đầu: phải tự học, tự nghiên cứu mới nhanh chóng làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại. Vũ khí của hệ thống tên lửa quá lớn nên anh em phải ý thức được tinh thần làm việc, nỗ lực, cố gắng, không được phép hời hợt”.

Thế nên ngoài thời gian huấn luyện chuyên môn, kỹ thuật, thể dục thể thao, buổi tối từ hơn 20g Huy và các sĩ quan lại miệt mài bên đống tài liệu dày cộp bằng tiếng Việt và cả tiếng Nga.

Điều khá thú vị là từ khóa của Thanh Huy trở đi, học viên được đào tạo tiếng Nga thay vì tiếng Anh như các khóa trước đó.

Thế nên việc tiếp cận với tài liệu tiếng Nga và thao tác trên các nút, phím hoàn toàn bằng tiếng Nga không phải là điều khó khăn với một sĩ quan trẻ như Huy.

Ở một đơn vị đặc biệt này, đến cả sĩ quan lái xe bệ phóng tên lửa tự hành, xe chỉ huy chiến đấu, xe rađa... cũng phải biết tiếng Nga để thao tác.

Đến Bình Thuận - mảnh đất “miền Bắc với chưa tới, miền Nam cũng chưa qua” này, có tận mắt nhìn mới cảm nhận sự khắc nghiệt của “đặc sản” nắng gió, sự khô cằn nơi đây.

Chính ủy lữ đoàn - đại tá Đỗ Minh Tuấn cho hay từ tháng 2-2014 đến nay chưa có một hạt mưa. Ở vùng đất này, mùa khô kéo dài từ tháng 11 âm lịch năm trước đến tháng 4, tháng 5 năm sau mới có mưa. Thậm chí kể cả có mây đen vần vũ vẫn không mưa nổi.

“Mùa khô là khô kéo dài, khô tuyệt đối. Thế mới gọi là Bình Thuận” - đại tá Đỗ Minh Tuấn mỉm cười.

Đất ở đây có lẽ đặc biệt hơn bất cứ nơi đâu. Đất cứng như đá, bổ vào bật cả cuốc! Lúc đầu chưa có kinh nghiệm, anh em đào bở hơi tai cũng không cuốc nổi một hố trồng cây. Sau này, mỗi lần đào hố trồng cây bộ đội phải tưới nước, ngâm cho đất mềm ra rồi vét thành hố, không cần đào.

Sự khắc nghiệt của thiên nhiên cùng với cường độ cao trong huấn luyện càng làm các anh thêm rắn rỏi và bản lĩnh. Nhìn những gương mặt cương nghị, đen sạm nắng gió nhưng lúc nào cũng bừng sáng nụ cười và đôi mắt ngời ánh tự hào, tôi chợt nghĩ đến loài hoa xương rồng, loài hoa giấy vẫn trổ bông đầy kiêu hãnh trên những vùng đất khô cằn.

Video: Tên lửa nổ tung trên Địa Tây Dương

quocte/2015/04/17/Video-tn-la-Falcon-9-n-tung-trn-i-Ty-Dng-1429268853.mp4&stream=pseudo" src="https://vtcnews.vn/static/swf/player.swf" type="application/x-shockwave-flash" height="350" width="500">

Tài sản của nhân dân

Đến các phân đội hỏa lực cũng sẽ bắt gặp toàn sĩ quan trẻ. Như phó phân đội trưởng phân đội 4 - thiếu úy Đậu Trọng Thái - chỉ mới 25 tuổi. Ra trường, về đơn vị, thiếu úy - kỹ sư Đậu Trọng Thái đã được tin tưởng giao đảm nhận vị trí này. Thái bảo ở các phân đội hỏa lực, phân đội trưởng, phân đội phó chỉ tầm sinh năm 1988 - 1990.

“Trách nhiệm của chúng tôi là phải làm chủ được hệ thống vũ khí khí tài hiện đại, phức tạp này - chàng sĩ quan trẻ cho biết - Buổi tối, ngày nghỉ anh em đều tự giác nghiên cứu thêm tài liệu về vũ khí trang thiết bị. Những ngày bảo quản bảo dưỡng vũ khí, tôi lại theo các anh phân đội trưởng và hỏi thêm”.

“Đây là tài sản rất lớn của nhân dân. Đất nước mình còn nghèo, khó khăn. Mình phải bảo quản, sử dụng, bảo dưỡng hệ thống vũ khí khí tài sao cho an toàn và phát huy tối đa hiệu quả tài sản, tiền của của nhân dân. Chúng tôi không nói ra nhưng trong thâm tâm luôn nâng niu, yêu thương vũ khí của mình còn hơn cả cầm một bông hoa” - thiếu úy Thái nói, rồi cười ngượng nghịu vì cách nói có vẻ “hoa hòe” của mình.

Tiếp xúc với nhiều sĩ quan nơi đây, tôi cảm nhận suy nghĩ đó không chỉ của riêng chàng sĩ quan trẻ này.
Quốc gia thứ ba sở hữu Bastion-P

Hệ thống tên lửa Bastion-P gồm hai xe bệ phóng tên lửa, hai xe rađa tổ hợp Monolit-B, hai xe chỉ huy chiến đấu và một xe nạp tên lửa. Khi tác chiến, tổ hợp rađa quan sát, theo dõi mục tiêu, báo cáo liên tục các thông số của mục tiêu về xe chỉ huy.

Phía bên trong xe chỉ huy chiến đấu như một... sở chỉ huy nhỏ: xử lý thông tin mục tiêu, kiểm tra xác suất bài bắn, đưa ra phương án bắn và ra lệnh cho xe bệ phóng tên lửa tự hành bắn. Trắc thủ hỏa lực ở xe phóng tên lửa tự hành là lực lượng quyết định cuối cùng cục diện thế trận. Mỗi xe phóng được trang bị tên lửa siêu thanh chống hạm P-800 Oniks.

Thông tin từ website của nhà sản xuất cho biết dàn tên lửa Bastion-P có khả năng tiêu diệt mục tiêu (các chiến hạm, tàu tên lửa, tàu tuần tra và cả tàu sân bay, tàu cao tốc) cách xa 300km chỉ trong một lần khai hỏa.

Ở hành trình bay tầm thấp, tên lửa của Bastion-P có tầm bắn 120km và 300km ở hành trình bay hỗn hợp. Khi sử dụng hành trình bay hỗn hợp, tên lửa có thể đạt đến độ cao 14km nhưng đến giai đoạn tấn công mục tiêu, nó có thể hạ xuống độ cao 9 - 15m. Loại tên lửa này thuộc loại sử dụng chiến thuật “bầy sói” và chống nhiễu điện tử mạnh.

Từ năm 2007, Syria đã sở hữu hai dàn tên lửa này. Và ba năm sau, Việt Nam là quốc gia thứ hai được mua Bastion-P từ Nga. Tổ hợp tên lửa này có khả năng cơ động dọc tuyến biển đến bất cứ trận địa nào theo chiều dài đất nước.

Nguồn: My Lăng(Tuổi trẻ)
Bình luận
vtcnews.vn