Theo thầy Phạm Hữu Giang - Chuyên gia giảng dạy và cố vấn hình học cho nhiều trường THPT trên cả nước, hình học là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các em học sinh. Thách thức bởi học hình cần phương pháp dạy và học thích hợp chứ không chỉ cần nỗ lực hay chăm chỉ đơn thuần. Tuy nhiên, hình học cũng là cơ hội, bởi nếu học tốt môn hình, các em sẽ có lợi thế lớn so với các thí sinh khác trong kỳ thi tuyển sinh.
Thầy Hữu Giang cũng chia sẻ bốn vấn đề cơ bản giúp giáo viên và học sinh vượt qua áp lực của môn học này.
Học thực tế - Đúng trọng tâm – Không học tràn lan
Nội dung học của môn hình học thường rất rộng và phức tạp. Ví dụ, cùng một đề bài đã có rất nhiều cách vẽ hình khác nhau. Mỗi học sinh sẽ vẽ một cách. Rồi ngay cả với hình vẽ không sai nhưng tù túng thì cũng sẽ dẫn tới thất bại.
Nếu học tràn lan theo thói quen sách giáo khoa viết gì học đấy mà không tính toán thì các em sẽ bị tình trạng “quá tải” mà không sâu và kỹ được.
Nội dung học trên trường lớp nhiều nhưng trong kỳ thi lại rất trọng tâm. Chẳng hạn trong 20 năm qua chưa bao giờ đề thi tìm giao tuyến hai mặt phẳng nhưng khoảng cách thì hầu như năm nào cũng có. 10 năm gần nhất tỷ lệ xuất hiện khoảng cách trong đề thi là trên 90%.
Để phát hiện ra trọng tâm thi hoàn toàn không khó. Cách đơn giản nhất là học sinh hãy làm phương pháp thống kê trong các đề thi. Sau khi làm phương pháp thông kê, chắc chắn nhiều học sinh sẽ bất ngờ bởi nhiều kiến thức các em đang học ngày học đêm lại chưa một lần xuất hiện trong đề thi.
Học theo tư duy móc xích nhau – không học rời rạc
Học hình theo tư duy rời rạc là nguyên nhân dẫn tới trường hợp học sinh học trước quên sau. Bởi kiến thức khi không có sự gắn kết kế thừa sẽ dẫn tới tình trạng nhớ máy móc. Cộng với khoảng thời gian không được nhắc nhớ và bị lượng kiến thức nhiều môn chồng chéo, học sinh sẽ không hiểu tại sao mình học nhiều mà vẫn loay hoay không thể giỏi lên được.
Vì vậy, trên nền tảng kiến thức trọng tâm, học sinh hãy học theo một chương trình học kế thừa chặt chẽ.
Ví dụ: bài một học chứng minh vuông góc, bài hai học khoảng cách trực tiếp. Nhưng trong khoảng cách có chứng minh vuông góc, các em được liên hệ quay ngược lại bài số một. Rồi tiếp đến bài ba, học khoảng cách gián tiếp thì lại kế thừa từ khoảng cách trực tiếp mà nên. Cứ như vậy kiến thức mới trên nền của kiến thức cũ phát triển thành một hệ thống chặt chẽ, học sinh sẽ hiểu được logic của cả một quá trình và không thể quên được.
Học phương pháp để chủ động giải quyết vấn đề
Hầu hết các trường THPT hiện tại đều đang học theo phương pháp thầy đọc trò chép, học sinh bắt trước thày. Sau đó học sinh được giao nhiều bài tập để nhớ các dạng tương tự.
Cách học này sẽ dẫn tới việc học sinh bị áp lực vì làm nhiều bài tập, nhớ quá nhiều. Đồng thời khi vào phòng thi, nơi đòi hỏi sự độc lập giải quyết bài toán, các em sẽ lúng túng nếu gặp vấn đề mới phát sinh.
Vì vậy, thay vì cách học thụ động, các thầy cô giáo nên dạy các em phương pháp giải quyết vấn đề. Còn bài tập, đề thi chỉ dùng để minh họa làm sáng tỏ phương pháp. Ở đây, chúng ta không nên nhầm lẫn giữa cách giải một bài toán và phương pháp. Có phương pháp trong tay các em có thể tự mình giải quyết tất cả các bài toán mà không cần phải nhớ quá nhiều và làm bài tập tràn lan.
Coi trọng đặc biệt khâu vẽ hình chính xác và chuyên nghiệp
Hình vẽ có vai trò vô cùng quan trọng trong chứng minh hình học. Hình vẽ chính xác giúp ta nhanh và dễ phát hiện đúng các quan hệ hình học trong bài toán, đặc biệt là trong thi trắc nghiệm. Nhưng đại bộ phận nhiều học sinh và giáo viên lại bỏ qua hoặc chưa quan tâm đúng mức những chi tiết này.
Chẳng hạn như cùng cho một hình chóp SABCD. Có bạn sẽ vẽ A bên trái, bạn sẽ vẽ bên phải. Bạn vẽ đỉnh trước bạn vẽ đáy trước. Bạn vẽ to bạn vẽ bé, bạn nghiêng ít, bạn ngiêng nhiều…Hầu như không ai vẽ giống ai trong khi hình vẽ chuẩn chỉ có một.
Đơn giản như vẽ một hình lăng trụ đứng, nếu vẽ đáy dưới trước thì các nét tiếp theo phải dựng ngược lên, thao tác dựng ngược lên lúc nào cũng khó khăn hơn kéo thẳng đứng từ trên xuống nếu như ta vẽ đáy trên trước…Chỉ cần vẽ hình tù hoặc ngược hình thì dễ dẫn tới việc ngộ nhận những tính chất mà bài toán không có.
Trong thực tế, rất nhiều học sinh hiện nay đều không được hướng dẫn học vẽ hình một cách chuyên nghiệp. Ngay cả trong sách giáo khoa, hiện tại cũng không có bài nào dạy cách vẽ hình. Thậm chí trên thị trường Việt Nam, cũng chưa có một cuốn sách toán dạy cách vẽ hình chuyên nghiệp.
Thầy Hữu Giang cho rằng, bốn gợi ý trên thực chất là mấu chốt và cũng là tình trạng mà gần như 100% các trường THPT đang gặp phải hiện nay. Chính vì vậy, để khắc phục điều này một sớm một chiều không phải là vấn đề đơn giản. Các thầy cô và các em ngoài việc cập nhập phương pháp mới và chấp nhận sự thay đổi ra còn đặc biệt kiên nhẫn khi áp dụng vào thực tiễn dạy và học hằng ngày.
Bình luận