Nhiều nhưng không đủ
Mẹ cho rằng con ăn nhiều, nhưng thực chất lại không đủ về số lượng cần thiết trong từng bữa ăn, hoặc ăn không đủ số bữa trong ngày. Ví dụ, nhu cầu của trẻ 1 tuổi là phải ăn đầy một bát cháo mỗi bữa, ngày ăn 4 bữa cháo và 500ml sữa. Mẹ cho ăn 2/3 bát hoặc ngày chỉ ăn 2 - 3 bữa, uống thiếu sữa trong ngày… là không đủ cho nhu cầu của trẻ.
Nhiều lượng nhưng ít chất
Số lượng nhiều nhưng không chất lượng: thiếu chất đạm (thịt, cá, trứng, đậu hủ) hoặc thiếu dầu mỡ… Một bát cháo phải đủ 30 - 40g thịt (cá, tôm) nhưng chỉ cho ăn nước xương, hoặc 1 thìa thịt, nhất là dầu mỡ, cháu 1 tuổi cần 2 thìa cà phê dầu (mỡ)/bữa mẹ chỉ cho vài giọt, hoặc 1/2 thìa.
Thiếu dầu mỡ là một trong những nguyên nhân không lên cân của trẻ, vì dầu mỡ cung cấp 30 - 40% năng lượng khẩu phần ăn hàng của trẻ. Một gam dầu, mỡ cung cấp 9 kcalo, chỉ cần thêm 1 thìa dầu mỡ năng lượng của bát cháo hoặc bột đã tăng lên 25%.
Mặt khác, dầu mỡ còn là dung môi để hòa tan các loại vitamin tan trong dầu mỡ: vitamin: A, D, E, K, thiếu dầu mỡ trẻ sẽ bị thiếu các vitamin này dẫn đến chậm lớn còi cọc.
Nhiều nhưng đơn điệu
Ăn nhiều và thường xuyên một loại thức ăn nào đó có thể làm cho cơ thể thiếu cơ hội thu nhận các thực phẩm khác, dẫn đến thiếu chất và không có sự tăng trưởng toàn diện.
Một bữa ăn phải cân đối các chất dinh dưỡng, muốn cân đối thì phải ăn đa dạng các loại thực phẩm, nếu chỉ ăn một số loại thực phẩm nhất định trẻ vẫn bị thiếu chất.
Nhiều nhưng dư thừa
Đưa vào cơ thể trẻ số lượng thức ăn vượt quá khả năng tiêu hóa của trẻ. Trẻ sáu tháng tuổi chỉ ăn được tối đa là nửa bát bột (100ml), nếu cho ăn nhiều hơn, bé sẽ không có đủ men tiêu hóa hết.
Phần thức ăn này sẽ không thể hấp thu vào cơ thể khiến bé no hoặc gây tiêu chảy làm bé chướng bụng, khó tiêu nên không chịu uống sữa, rối loạn tiêu hóa và sụt cân.
Nhiều chất đạm không cần thiết
Nhiều bà mẹ quan niệm cho con ăn nhiều chất bổ để mau lớn, chất bổ ở đây là các thực phẩm giàu chất đạm như: thịt, cá, tôm, trứng, sữa… Cho con ăn quá nhiều chất đạm làm bé khó tiêu, giảm ăn, giảm bú.
Ăn nhiều chất đạm còn gây táo bón làm trẻ cũng không hấp thu được thức ăn, gây tăng gánh nặng cho thận của bé, hơn nữa chất đạm không phải là nguồn cung cấp năng lượng cho trẻ, muốn tăng cân trẻ phải ăn đủ chất bột đường, chất béo, chất đạm chỉ cung cấp 14% năng lượng khẩu phần ăn hàng ngày là đủ.
Nhiều nhưng không phù hợp
Ở mỗi cơ thể trẻ, khả năng tiêu hóa, hấp thu thức ăn khác nhau nên có thể trẻ ăn nhiều so với trẻ đồng tuổi nhưng lại quá sức so với trẻ.
Vì vậy, cần phải gia giảm giữa lượng ăn và lượng sữa để trẻ có sự tiêu hóa phù hợp và trẻ được phát triển tốt nhất. Một số trẻ có bệnh lý ở đường ruột, bệnh gan mật, bệnh di truyền, bệnh dị ứng, bất dung nạp thức ăn… làm hạn chế khả năng tiêu hoá, hấp thu thức ăn.
Trẻ mắc một số bệnh về nội tiết như: suy giáp trạng, lùn tuyến yên…cũng là nhưng nguyên nhân chậm lớn.
Ngoài các nguyên nhân trên, nhiều trẻ ăn nhiều nhưng vẫn không lớn còn phụ thuộc vào yếu tố gia đình: bố mẹ còi cọc thì con cũng khó có thể cao lớn được, mặt khác còn phụ thuộc vào cân nặng lúc sinh của trẻ, những bé đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai thì nuôi cũng khó lên cân.
Ngoài ra, còn một số trường hợp trẻ có chuyển hóa cơ bản cao, tiêu hao nhiều năng lượng nên ăn nhiều vẫn gầy, những bé quá hiếu động chạy nhảy nhiều cũng tiêu hao năng lượng nhiều nên ăn nhiều vẫn tăng cân chậm.
Bình luận