Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Quận Nam Từ Liêm đang lập hồ sơ, xem xét xử lý Trần Văn Nghiệp về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo tài liệu của cơ quan công an, tháng 3/2017, Nghiệp lập tài khoản facebook cá nhân có tên “Tuấn Tuấn” và “ÔPs Pis”, với nội dung “mua bán tiền giả uy tín, không cọc tại Hà Nội. Ai mua nhắn tin hoặc để lại số điện thoại. Tỷ lệ mua bán 1 ăn 7” (nghĩa là với 1 triệu đồng tiền thật thì mua được 7 triệu đồng tiền giả) và tải hình ảnh tiền giả trên mạng về để cho khách hàng xem.
Sau khi Nghiệp đăng tin bán tiền giả trên mạng xã hội, ngày 28/3, Nguyễn Thế Tiền, ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đã liên hệ mua của Nghiệp với số tiền 7 triệu đồng để được 49 triệu đồng tiền giả. Tiền và Nghiệp thống nhất sẽ gặp nhau tại Bến xe Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, để thực hiện giao dịch.
Do không có tiền giả như quảng cáo trên mạng xã hội, nên Nghiệp đã mua loại tiền vàng mã có kích thước như tiền thật, bọc bên ngoài xấp tiền bằng tờ tiền thật mệnh giá 200.000 đồng, rồi dùng băng dính đen dán kín và rạch hở hai đầu với mục đích lừa đó là xấp tiền giả.
Nhập nhoạng tối 2/4, theo đúng lời hẹn, Tiền đã đến gặp Nghiệp tại Bến xe Mỹ Đình, đưa cho đối tượng này 7 triệu đồng tiền thật, còn Nghiệp đưa cho Tiền bọc tiền âm phủ có tờ 200.000 đồng ở ngoài đã được dán kín. Tiền nhìn bên ngoài thấy tờ 200.000 đồng “giống hệt” tiền thật nên đã tin ngay và đồng ý. Giao dịch xong, Tiền về bóc bọc tiền ra xem, biết bị lừa nên đã vứt toàn bộ số tiền âm phủ đi.
Câu chuyện bị Nghiệp lừa đã được Tiền kể lại cho anh Vũ Xuân Quý, là người cùng quê biết, rồi cả hai cùng bàn cách lấy lại tiền. Theo đó, anh Quý vờ làm người mua hàng, cũng đặt 5 triệu đồng tiền thật để lấy 35 triệu đồng tiền giả. Nghiệp đồng ý và sử dụng thủ đoạn cũ để lừa đảo.
Khoảng 18h ngày 7/4, anh Quý cùng Tiền đi gặp Nghiệp tại khu vực Bến xe Mỹ Đình. Quan sát kỹ, Tiền nhận ra Nghiệp chính là người đã lừa bán tiền giả cho mình và đưa tới cơ quan công an để trình báo. Tại đây, Nghiệp đã thừa nhận hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của mình.
Điều tra mở rộng, Nghiệp khai trước đó đã lừa được 4 người khác, thu tổng số tiền khoảng 16 triệu đồng. Anh Nguyễn Thế Tiền cũng nhận thức được việc mua tiền giả là sai và coi đây là bài học cảnh cáo đối với anh và nhiều người khác. Nếu việc giao dịch thành công, Nghiệp có tiền giả để bán thì anh Tiền cũng phải đối mặt với tội danh lưu hành tiền giả.
>>> Đọc thêm: Nhóm thanh niên rủ nhau buôn bán tiền giả qua facebook
Video:
Bình luận