• Zalo

Bắt học sinh cấp 2 thi về hành chính công: Hữu ích hay vẫn hình thức?

Giáo dụcThứ Tư, 11/09/2019 08:28:00 +07:00Google News

Việc các trường THCS tại Hà Nội tổ chức cho học sinh thi tìm hiểu về dịch vụ công trực tuyến do thành phố phát động đang có nhiều ý kiến trái chiều.

Mới đây, TP Hà Nội phát động cuộc thi “Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến”. Mục tiêu cuộc thi nhằm phổ biến rộng rãi cách thức sử dụng dịch vụ công trực tuyến của thành phố, các dịch vụ thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến, quy trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính... Đối tượng tham gia là công dân từ đủ 12 tuổi trở lên.

Đề thi gồm 2 phần: trắc nghiệm và tự luận. Phần thi trắc nghiệm, người dự thi lựa chọn câu trả lời thích hợp nhất đối với mỗi câu hỏi theo phần mềm bộ câu hỏi được thiết kế sẵn với nhiều cấp độ (từ dễ đến khó). Số lượng là 40 câu hỏi, thời gian tối đa là 60 phút.

Phần thi trắc nghiệm được phần mềm chấm điểm tự động, kết quả phần thi trắc nghiệm được hiển thị ngay sau khi người dự thi hoàn thành phần thi gồm: Tổng điểm thi trắc nghiệm và thời gian hoàn thành phần thi.

1

Hà Nội tổ chức cuộc thi Tìm hiểu về dịch vụ hành chính công cho những người từ đủ 12 tuổi. (Ảnh minh họa) 

Ở phần thi tự luận, người dự thi trả lời 1 câu hỏi tự luận bằng hình thức bài viết không quá 1.500 từ. Thời gian gửi bài tự luận là ngay sau khi hoàn thành phần thi trắc nghiệm và phần thi tự luận hoặc gửi phần dự thi tự luận sau nhưng phải trước thời hạn 17h ngày 16/9. Người dự thi có thể soạn thảo trực tiếp câu trả lời trên phần mềm cuộc thi hoặc đính kèm bài dự thi được chuẩn bị sẵn dưới hình thức file điện tử theo các định dạng sau: .doc, .docx, .pdf, .jpeg.

Điều đáng nói là sau khi cuộc thi này được phát động, nhiều trường THCS trên địa bàn thành phố đã yêu cầu 100% học sinh trong độ tuổi phải tham gia. Như vậy, từ một cuộc thi mang tính tự nguyện nay lại trở thành bắt buộc với nhiều học sinh.

Việc cho các em học sinh bậc THCS thi về dịch vụ công trực tuyến cũng đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều của các bậc phụ huynh và chuyên gia giáo dục.

Anh Nguyễn Mạnh Hưng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có con đang học bậc THPT ủng hộ việc tổ chức cho học sinh tìm hiểu và thi về dịch vụ hành chính công. “Con tôi năm nay đang học lớp 10, tôi thấy rằng bất kỳ công dân nào cũng cần đến dịch vụ hành chính công, nên để học sinh biết được cách thực hiện như thế nào và hiểu được bản chất thì càng tốt. Việc để học sinh tiếp cận với những thủ tục đơn giản như in sao hộ khẩu, khai sinh, bằng tốt nghiệp, làm thẻ căn cước công dân... cũng rất cần thiết”.

Trong khi đó, chị Hoàng Hồng Hạnh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có con đang học lớp 6 nhưng đủ tuổi và nằm trong nhóm tham gia cuộc thi cho rằng: “Con gái tôi vừa từ tiểu học lên THCS, khi được cô thông báo về cuộc thi, cháu vẫn hỏi mẹ, hành chính công là gì? Đến khi làm bài thi trực tuyến trên máy tính, 2 mẹ con phải cùng ngồi làm bài.

Có thể do số lượng người tham gia lớn, nên hệ thống thường xuyên bị nghẽn, phải mất rất nhiều thời gian truy cập lại nhiều lần mới có thể làm được bài thi. Phần lớn các câu hỏi cháu không hiểu, do chưa từng trực tiếp tham gia bất kỳ dịch vụ hành chính công nào. Bản thân mình cũng có nhiều câu hỏi không trả lời được, nên 2 mẹ con lại phải ngồi tra cứu trên mạng. Thi xong khoảng 1 tuần sau hỏi lại, xem nội dung bài thi là gì, thì bé nhà mình gần như chỉ còn nhớ được vài câu”.

Chị Hạnh cho rằng, cuộc thi này sẽ phù hợp hơn với những học sinh lớp 9, hoặc THPT, khi các em chuẩn bị phải tiếp xúc với các dịch vụ hành chính như làm chứng minh thư, công chứng các loại giấy tờ, văn bằng phục vụ cho việc học đại học và đi làm. Đối với những học sinh lớp 6, lớp 7, những câu hỏi này tương đối khó hiểu và ít áp dụng nên hiệu quả mang lại không cao.

Còn theo chị Nguyễn Thúy Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội), những cuộc thi như thế này nên dựa trên tinh thần tự nguyện tham gia của học sinh thay vì ép buộc. Vì nếu ép buộc, nhưng lại không làm trên lớp, không có sự giám sát của giáo viên, thì các em sẽ có cách chống chế như nhờ người khác làm hộ.

Bên cạnh đó, phụ huynh này cũng cho rằng, đa số các dịch vụ công trực tuyến triển khai dành cho người trên 18 tuổi. Do đó, dù có tìm hiểu đi nữa, thì học sinh ở bậc THCS cũng rất dễ quên vì không được thực hành, dẫn đến việc tổ chức thi chỉ mang tính hình thức.

“Cháu nhà tôi cũng chỉ làm với tinh thần cô yêu cầu thì làm, làm hú họa được vài điểm. Thậm chí cô giáo đã hướng dẫn tra cứu đáp án có sẵn ra sao, nhưng vẫn không tham khảo”, chị Hà cho biết.

Thi vừa hình thức, vừa mất thời gian?

Gần 1 tuần sau khi hoàn thành bài thi Tìm hiểu về dịch vụ công trực tuyến, Trần Hà Chi, học sinh lớp 8 một trường THCS tại quận Hoàn Kiếm, khi được hỏi về nội dung thi, cũng chỉ nhớ được mang máng rằng có câu hỏi liên quan đến thủ tục chuyển trường với học sinh bằng dịch vụ công trực tuyến lệ phí bao nhiêu. Nhưng khi hỏi đến đáp án, Chi cũng lúng túng không rõ.

Học sinh lớp 8 này cho biết, một số câu hỏi em có thể hiểu hoặc tìm hiểu trên mạng để hiểu và chọn đáp án, nhưng cũng có những câu hỏi vì chưa từng thực hiện bất kỳ dịch vụ công nào, nên em cũng không thể hiểu. Đặc biệt, Chi cho rằng phần câu hỏi tự luận quá khó với học sinh: “Em không biết phải trả lời thế nào nên cũng chỉ viết bừa cho xong”.

Còn một số học sinh lớp 6, khi được hỏi về hành chính công không khỏi ngơ ngác, dù cũng đã tham gia cuộc thi.

Nêu ý kiến về vấn đề này, một hiệu trưởng của trường THCS tại Hà Nội, đơn vị trực tiếp tổ chức cho học sinh tham gia cuộc thi cũng thẳng thắn cho rằng việc tìm hiểu về dịch vụ hành chính công sẽ phù hợp với học sinh bậc THPT hơn là bậc THCS.

“Ở lứa tuổi này, nếu cho các em tìm hiểu, thì nên hỏi về những nội dung sát thực hơn. Cuộc thi này nên dành cho bậc THPT, khi ở môn GDCD, các em đã bắt đầu được học về pháp luật, về các thủ tục hành chính và bản thân cũng đã dần tiếp xúc. Còn nếu tổ chức ở bậc THCS, bản thân chúng tôi cũng thấy vẫn mang tính phong trào. Gọi là thi, nhưng học sinh lại có sẵn đáp án, các em chỉ làm thao tác là điền đáp số. Mà theo chỉ thị từ trên xuống, tất cả các trường đều phải đảm bảo 100% học sinh đủ tuổi tham gia.

Như vậy vừa mất thời gian, lại chỉ mang tính hình thức, không tạo cho các em thói quen làm theo đúng thực chất, hiểu biết của mình. Nói nặng hơn thì là gian lận thi cử, giả dối. Về khía cạnh giáo dục đạo đức và giá trị sống, tôi cho rằng tổ chức những cuộc thi như vậy dễ phản tác dụng”.

Vị hiệu trưởng này cho hay, việc học sinh tham gia các phong trào, kết quả của các cuộc thi do thành phố phát động cũng là một trong những tiêu chí để xét thi đua cuối năm. Kể cả khi không nói đến thi đua, đôi khi các trường tổ chức cũng chỉ vì bắt buộc, do không phải cuộc thi nào cũng thực sự thiết thực.

“Có những cuộc thi phát động ra, học sinh chép bài tập thể, chỉ cần đủ chữ, đủ bài. Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi phương pháp giáo dục, không nên tổ chức quá nhiều cuộc thi đặc biệt là những cuộc thi mang tính hình thức, mà nên chọn các cuộc thi sát với đối tượng, mục tiêu giáo dục, gắn với thực tế, đảm bảo học sinh tham gia tới đâu chắc kiến thức tới đó.

Hơn nữa cũng không cần bắt 100% học sinh tham gia, nên dựa trên tinh thần tự nguyện, khi các em thực sự thích, thì hiệu quả giáo dục sẽ cao hơn. Như hiện nay, nhiều khi vừa làm bài thi xong, hỏi lại học sinh cũng không nhớ mình vừa viết gì. Thầy cô lại phải phát ra thông báo yêu cầu học sinh không được chép giống nhau. Nhiều khi đọc các bài tự luận của các em theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” dở mếu dở cười”, vị hiệu trưởng cho biết.

N.T/VOV.VN
Bình luận
vtcnews.vn