120.000 tỷ đồng “giải hạn” cho bất động sản
Tại tại hội thảo Vực dậy thị trường bất động sản diễn ra ngày 31/5 tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, kế hoạch bơm tiền của Chính phủ từ nay tới cuối năm, trong đó có 120.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa dùng hết, được kỳ vọng sẽ gỡ thế bế tắc cho thị trường bất động sản.
Theo Thứ trưởng, trong số 180.000 tỷ đồng đầu tư công dành riêng cho năm 2012, Chính phủ mới dùng 60.000 tỷ đồng. Vì thế trong 7 tháng còn lại của năm, 120.000 tỷ đồng nữa sẽ được bơm vào thị trường.
Ngoài gói đầu tư công, cộng thêm 38.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, tạm ứng trước vốn năm 2013 thì trong 7 tháng cuối năm thị trường có thể đón nhận khoảng 200.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến gói giải pháp khoanh nợ 100.000 tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD) tạo điều kiện cho các ngân hàng giải ngân cho vay giúp tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Xây dựng dự báo thêm, nền kinh tế còn có dòng tiền trong dân đang đầu tư vào vàng, USD, gửi tiết kiệm. Tiền của người dân sớm muộn cũng sẽ chảy vào bất động sản khi lãi suất hạ nhiệt và các kênh đầu tư còn lại bắt đầu mất dần tính hấp dẫn.
Thị trường bất động sản sẽ được bơm 120.000 tỷ đồng |
Ngân hàng thừa vốn sẽ cho vay trở lại, tạo bước đệm hỗ trợ thị trường bất động sản. Chẳng hạn như BIDV đang tung gói 4.000 tỷ đồng cho vay bất động sản trong vòng 2 năm. ACB và một số ngân hàng khác cũng đang dự tính đến gói này.
Theo thứ trưởng Nam, dòng tiền này khi được lưu thông chắc chắn sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế, tác động tích cực đến nhiều ngành nghề khác, trong đó có địa ốc. Ông Nam cũng lưu ý, dù có bao nhiêu cơ chế, chính sách hỗ trợ đi nữa, doanh nghiệp địa ốc phải chủ động cơ cấu lại hàng hóa, nhằm vào phân khúc có nhu cầu lớn với khả năng thanh toán cao. Hãy cơ cấu lại dự án, nguồn vốn để tự cứu mình trước.
2/3 số sàn bất động sản đóng cửa
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trong tổng số 500 sàn giao dịch bất động sản thì có tới 322 sàn đóng cửa, không có giao dịch.
Ông Trần Hợp Dũng – Trưởng phòng Quản lý Kinh tế, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, sau khi thống kê từ hai nguồn chính thống là các sàn giao dịch BĐS và cơ quan thuế thuộc 29 quận huyện của Hà Nội, hiện có 122 sàn ngừng hoạt động trong số này là những sàn không tìm được địa chỉ, không tồn tại dù đăng ký kinh doanh vẫn còn. Bên cạnh đó, có khoảng 200 sàn không có giao dịch thành công. Gần 200 sàn còn lại có giao dịch rất khiêm tốn, chỉ vài sản phẩm được giao dịch thành công.
Số liệu tổng hợp kết quả khảo sát về giao dịch mua bán BĐS quý 1/2012 qua tổng hợp các sàn (dựa trên số lượng giao dịch bất động sản ghi nhận qua cơ quan thuế) cho thấy, nhà ở chung cư chỉ có 37 giao dịch thành công; trong khi giao dịch không qua sàn là 842 trường hợp. Với nhà ở riêng lẻ, biệt thự, liền kề, qua sàn chỉ ghi nhận được 27 giao dịch, trong khi con số không qua sàn là 2.203 trường hợp.
Đối với giao dịch mua bán qua sàn hiện nay chưa nhiều. Đa số giao dịch qua sàn là sản phẩm của chủ đầu tư dự án thực hiện. Ở khía cạnh này, các sàn có báo cáo và số liệu tương đối đầy đủ, tuy nhiên giá giao dịch thực tế và giá giao dịch qua sàn khi đối chiếu vẫn có sự chênh lệch giữa giá ký hợp đồng của chủ đầu tư so với giá người mua chấp nhận trả bổ sung cho người bán.
Đối với giao dịch trực tiếp, không qua môi giới thì hầu như không thể lấy được thông tin giao dịch, hoặc có lấy được thì thông tin hoàn toàn không có kiểm chứng và xác nhận. Ngay cả khi có số liệu cụ thể từ các chi cục thuế cung cấp thì độ trễ của thông tin, cũng như tính chính xác của số liệu khác rất xa các số liệu thông tin giao dịch trên thị trường.
Bộ Xây dựng muốn phát triển căn hộ nhỏ
Việc phát triển căn hộ 25m2 là vấn đề gây tranh luận thời gian vừa qua. Mới đây, Bộ Xây dựng cho rằng việc phát triển căn hộ diện tích nhỏ là điều cần thiết nhằm để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, việc quy định cứng nhắc về diện tích căn hộ tối thiểu cho mọi vùng miền như hiện nay không còn phù hợp, và do vậy Luật Nhà ở cần được sửa đổi.
Luật Nhà ở quy định diện tích tối thiểu căn hộ chung cư thương mại không được nhỏ hơn 45 m2, và đối với nhà ở xã hội thì diện tích sàn căn hộ không nhỏ hơn 30 m2 và không lớn hơn 60 m2.
Ông Hà cũng cho biết, không riêng gì Việt Nam, các nước phát triển trên thế giới cũng đã từng tranh luận rất nhiều về việc quy định diện tích tối thiểu cho căn hộ chung cư. Tuy nhiên những quy chuẩn xây dựng căn hộ nhỏ chủ yếu do chính quyền địa phương quy định, và nhiều nước cho phép phát triển căn hộ khá nhỏ.
Chẳng hạn như New Zealand, trước năm 2010 cho phép phát triển căn hộ nhỏ (studio) có diện tích dưới 20 mét vuông, thậm chí chỉ 12 mét vuông và gần đây là 30 mét vuông. Tại Anh diện tích tối thiểu là 33 mét vuông, riêng tại London là 50 mét vuông, tại Úc là 40 mét vuông. Trong khi đó diện tích căn hộ tại Hong Kong là 15 mét vuông; tại Thái Lan là 25 mét vuông và tại Singapore là 25 – 28 mét vuông.
Như vậy, tiêu chuẩn diện tích căn hộ tối thiểu tại Việt Nam còn cao hơn quy định tại nhiều nước trên thế giới. Trong tờ trình mới đây của mình, Bộ Xây dựng đề xuất cho phát triển căn hộ có diện tích 25 mét vuông với số lượng tối đa không vượt quá 15% tổng số căn hộ trong một tòa nhà.
Ông Hà cho rằng việc cho phép phát triển căn hộ diện tích nhỏ phải kèm theo các hướng dẫn quy định về thiết kế, quy chế quản lý và chế tài, do vậy sẽ không làm tăng nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, thẩm mỹ đô thị.
TP.HCM: Nhà tái định cư giá từ 13,7 triệu đồng/m2
UBND TPHCM vừa chấp thuận giá bán, giá thuê bảo toàn vốn và giá bán, giá thuê không kinh doanh đối với 1.844 căn hộ tái định cư khu đô thị mới Thủ Thiêm tại khu 17,3 ha phường An Phú - An Khánh, quận 2.
Cụ thể, giá bán bảo toàn vốn từ 13,7 - 15,6 triệu đồng/m2, còn giá thuê bảo toàn vốn từ 38.000 đồng/m2/tháng đến 43.000 đồng/m2/tháng. Dự án được đầu tư theo phương thức Nhà nước huy động vốn của doanh nghiệp để thực hiện việc xây dựng các cụm chung cư, sau đó doanh nghiệp sẽ thanh toán bằng quỹ đất ở khu vực khác.
PV(tổng hợp)
Bình luận