Ra Tết đã nửa tháng, dạo một vòng quanh các "chợ" bất động sản (BĐS) lớn của Hà Nội như Hà Đông, Nguyễn Phong Sắc kéo dài, Nguyễn Thị Định, Hoàng Ngân, Mỹ Đình, Đông Anh, Gia Lâm..., cảm nhận đầu tiên mà phóng viên ghi nhận được là "chợ chưa họp". Các trung tâm giao dịch BĐS, đa số đều chỉ mở cửa lấy ngày từ mùng 7 Tết (29/1), rồi thì "cửa đóng then cài" vì chủ nhân còn bận đi du Xuân, lễ chùa.
Thị trường tiếp tục ảm đạm
Trao đổi với phóng viên cuối tuần qua, ông Đỗ Quang Huy, Sàn giao dịch BĐS Hapulico cho biết, trên công trường dự án Hapulico Complex tại Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội, công nhân vẫn chưa trở lại làm việc. Tuy nhiên, Sàn giao dịch đã mở cửa trở lại để lấy ngày từ mùng 7 Tết (29/1). “Năm nào cũng vậy, công nhân về quê ăn Tết thì phải qua rằm mới trở lại làm việc, còn Sàn mở cửa, nhưng cả tuần qua cũng chưa có giao dịch nào”, ông Huy cho biết.
Gọi điện cho Giám đốc Sàn giao dịch BĐS nhà đất 24h.net Lê Ngọc Quỳnh vào sáng thứ Bảy (13 tháng Giêng) thì nhận được câu trả lời rằng đang đi Hội Lim, lễ Đền Bà Chúa Kho. “Sau Tết, mới chỉ có khoảng 20% sàn giao dịch BĐS mở cửa trở lại, chủ yếu để bạn bè giao lưu, thăm hỏi nhau thôi chứ chưa có mua bán gì”, ông Quỳnh nói và nhận định, thị trường ảm đạm thế này, sẽ có nhiều sàn chưa biết bao giờ mới mở cửa trở lại.
Diễn biến của thị trường BĐS đầu năm nay hoàn toàn trái ngược với đầu năm ngoái, khi ngay ngày đầu tiên đi làm (mùng 6 Tết) của năm Tân Mão, phóng viên ĐTCK đã nhận được lời mời "chủ đầu tư vào tên hợp đồng chính chủ và có tặng quà, anh xem có nhu cầu thì đến sớm nhé" của một sàn giao dịch BĐS tại Mỹ Đình. Còn năm nay, hầu hết sàn BĐS nếu đều mở cửa cho vui chứ cả tuần chưa có giao dịch nào.
Sóng nhỏ tháng 4
Đúc rút kinh nghiệm qua nhiều năm “lăn lộn” trên thị trường BĐS, nhiều “đại gia” thành danh từ “cò đất” cho biết, mỗi năm, giới đầu cơ BĐS thường trông chờ vào 2 "vụ" làm ăn chính là khoảng tháng 4 và tháng 10, còn thời điểm sau Tết thì các nhà đầu tư chủ yếu còn đi du Xuân, lễ chùa cho đến hết tháng Giêng. "Năm nào cũng vậy, cứ vào 2 cữ đó là BĐS lại có sóng, không lớn thì bé và giới đầu tư chỉ cần trúng 1 vụ là đủ ăn cả năm", một “cò đất” cho biết.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư căn cứ vào kinh nghiệm này trong năm 2011 đã “lĩnh đủ” khi thị trường BĐS Hà Nội từ cơn sóng nhỏ tháng 4/2011 đến nay đã “lặn không sủi tăm”. Việc ăn sóng BĐS theo chu kỳ đã trở thành ác mộng cho các nhà đầu tư nào trót “ôm” đất tại Sóc Sơn hay Đông Anh dịp tháng 3, tháng 4 năm ngoái, nhưng đến nay vẫn chưa bán được. Tương tự như vậy là những nhà đầu tư “ôm” đất tại những dự án phía Tây Hà Nội như Kim Chung - Di Trạch, Vân Canh, Thanh Hà, Xuân Phương... đúng đỉnh sóng tháng 4/2011 và đến nay nhiều người đã mất đến 40% khoản đầu tư.
Ông Huy đưa ra nhận định, năm 2011 không có sóng tháng 10 cho thấy, thị trường đang gần về đến đáy và cho đến thời điểm này tích tụ lại nhiều yếu tố cho sự chuyển biến mạnh trong sóng tháng 4 năm nay. Thời điểm này có thể xảy ra hai xu hướng, đó là có sóng nhỏ vào tháng 4 giúp cho thị trường hồi sinh trở lại, hoặc ngược lại thị trường sẽ nhấn chìm nốt những nhà đầu tư còn bám trụ.
“Ngân hàng hiện khá thiếu tiền hoặc có tiền thì cũng cho vay với lãi suất cao, nên đa số doanh nghiệp BĐS không thể trông mong vào nguồn vốn tín dụng. Hiện tiền trong dân còn rất nhiều nhưng vẫn còn trong tình trạng rình rập, khiến cho thị trường trầm lắng. Nếu đến sóng tháng 4 mà thị trường vẫn ảm đạm thì chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ ‘chết’ hẳn”, ông Huy phân tích.
Theo ĐTCK
Bình luận