Tại Nam Định, ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định cho biết hiện tỉnh đang trong quá trình rọc phách bài thi và dự kiến sẽ mất khoảng 1 - 2 ngày.
Dự kiến ngày 30/6, tỉnh Nam Định sẽ bắt đầu chấm song song đồng loạt tất cả các bài thi tự luận và trắc nghiệm.
“Năm nay, Nam Định có hơn 19.000 thí sinh dự thi. Tự luận chỉ có mình môn Ngữ văn. Về cán bộ chấm thi, chúng tôi huy động cho môn Ngữ văn là 120 người, chia thành 3 tổ chấm. Cùng đó, huy động 50 cán bộ và chuẩn bị 6 máy quét để chấm bài thi trắc nghiệm. Tất cả các phòng chấm thi sẽ được lắp đặt camera giám sát cùng được canh gác bởi lực lượng công an”.
Ông Hùng dự kiến việc chấm thi sẽ diễn ra trong 1 tuần và chấm xong vào ngày 6/7. Khoảng ngày 10/7, địa phương sẽ gửi dữ liệu điểm thi lên Bộ GD-ĐT.
Tại Vĩnh Phúc, ông Trần Dũng Long, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc cũng cho hay, hôm nay hội đồng phách bắt đầu làm việc và đang làm phách theo quy trình cách ly.
“Mọi việc đang được triển khai hết sức khẩn trương. Sáng nay chúng tôi đã họp để lên kế hoạch chi tiết cho việc chấm thi. Đến hiện tại, ngày 28/6, các thành viên Ban thư ký, Ban làm phách, và một bộ phận thành viên Ban chấm thi (tổ xử lý trắc nghiệm) đã bắt đầu làm việc. Các công việc chuẩn bị tổ chức chấm được tiến hành nghiêm túc, đầy đủ các khâu các bước, đảm bảo thực hiện đúng theo quy chế của Bộ GD-ĐT”.
Theo ông Long, công tác tổ chức chấm thi của tỉnh sẽ được bắt đầu từ ngày 2/7 và dự kiến các công việc của công tác chấm thi kết thúc vào ngày 10/7.
Số cán bộ, giáo viên được huy động chấm thi bài tự luận là 83 người. Chúng tôi cũng chuẩn bị 4 máy tính phục vụ chấm bài trắc nghiệm (2 máy làm việc, 2 máy dự phòng) và 2 máy quét bài.
Tại Hà Nam, bà Đinh Thị Lụa, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Nam cho biết, từ chiều qua 28/6, triệu tập những cán bộ làm công tác đánh phách bài thi môn tự luận. Từ sáng 29/6, tỉnh sẽ bắt đầu chấm thi. “Chúng tôi huy động hơn 300 giáo viên chấm các bài thi môn Ngữ văn đảm bảo thời gian và tốc độ chấm nhanh nhất, chính xác nhất. Cùng đó bố trí các máy chấm bài thi trắc nghiệm sẵn sàng”, bà Lụa nói.
Tại Quảng Trị, bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị cho biết ngày hôm qua đã bắt đầu tiến hành cách ly cán bộ làm phách.
“Từ 7h30 sáng 28/6, ban làm phách, ban thư ký, lãnh đạo ban chấm thi và tổ trưởng các tổ chấm bắt đầu làm việc. Theo kế hoạch, 7h30 sáng 1/7 chúng tôi sẽ tiến hành chấm thi THPT quốc gia năm 2018. Dự kiến ngày 6/7 sẽ chấm xong toàn bộ các bài thi”, bà Hương nói.
Bà Hương cho biết, Sở đã chuẩn bị 2 máy quét chấm bài thi trắc nghiệm. Số người trong ban chấm gồm lãnh đạo, tổ chấm trắc nghiệm, 4 tổ chấm môn ngữ văn mỗi tổ 17 người, 1 tổ chấm kiểm tra và công an bảo vệ, y tế, phục vụ. Tổng số 105 người chưa tính đoàn thanh tra ủy quyền của Bộ và đoàn thanh tra Sở.
Tại Nghệ An, ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết, sáng nay đã họp hội đồng làm phách và bắt đầu tiến hành cách ly đối với hội đồng làm phách. Năm nay, Nghệ An có gần 32.000 thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia.
“Ngày 30/6, Nghệ An sẽ bắt đầu chấm thi THPT quốc gia năm 2018 và dự kiến ngày 6/7 sẽ hoàn tất việc chấm thi”, ông Hoàn thông tin.
Tại Thanh Hóa, ông Hoàng Văn Thi, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa cho hay hôm nay bắt đầu bước thứ nhất là triển khai công tác làm phách và xử lý các bài thi trắc nghiệm.
“Chúng tôi dự kiến sẽ mất khoảng 3 ngày để mới xong khâu làm phách bởi lượng thí sinh đông, sau khi xong sẽ bắt tay ngay vào chấm thi. Chúng tôi đã điều động 250 giáo viên từ các trường THPT để chấm bài thi tự luận môn Ngữ văn. Với số lượng thí sinh Thanh Hóa năm nay khoảng 35.000 thí sinh, Sở đã chuẩn bị 7-8 máy quét để triển khai chấm thi, chưa kể số dự phòng”, ông Thi nói.
Tại Hà Nội, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết hôm nay đã bắt đầu vào quá trình rọc phách. Khi làm phách xong sẽ bắt tay ngay vào chấm thi.
Video: Bài thi THPT Quốc gia 2018 được chấm ra sao?
Bình luận