• Zalo

Bắt đầu phạt nếu dùng điện thoại di động ở cây xăng

Kinh tếThứ Hai, 06/08/2012 07:15:00 +07:00Google News

Ngày đầu tiên thực hiện xử phạt vi phạm khi sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) tại cây xăng, nhiều người dân vẫn vô tư sử dụng.

Hôm qua (5/8)- ngày đầu tiên thực hiện xử phạt vi phạm khi sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) tại cây xăng, nhiều người dân vẫn vô tư sử dụng và biện pháp ngăn chặn chủ yếu vẫn là nhắc nhở.

Theo nội dung mới trong Nghị định 52/2012 của Chính phủ về quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy (PCCC), 5.8 là ngày đầu tiên áp dụng việc xử phạt với những người sử dụng ĐTDĐ, nguồn lửa, các thiết bị điện tử, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt… tại cây xăng.

Ngày đầu tiên thực hiện xử phạt vi phạm khi sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) tại cây xăng, nhiều người dân vẫn vô tư sử dụng và biện pháp ngăn chặn chủ yếu vẫn là nhắc nhở. 
Những người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng (cao gấp 10 lần trước đây). Trong đó, hành vi nghe ĐTDĐ tại cây xăng sẽ chịu mức xử phạt cao nhất trong khung xử phạt này. Mặc dù vậy, theo ghi nhận của chúng tôi, trong ngày hôm qua, dù các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu đã đặt biển báo cấm sử dụng các thiết bị nói trên, đặc biệt là ĐTDĐ, sự hiểu biết cũng như ý thức chấp hành của người dân chưa cao.

Tại cây xăng của Petrolimex trên đường Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội), anh Nguyễn Văn Nam - nhân viên bán xăng, cho biết: “Từ sáng đến giờ, rất nhiều người vào mua xăng vẫn sử dụng ĐTDĐ.

Trước khi có Nghị định 52, cửa hàng đã có biển báo cấm sử dụng ĐTDĐ, nhưng hầu như không ai chấp hành. Khi chúng tôi nhắc nhở, nhiều người mua xăng tỏ ra ngạc nhiên khi biết hành vi này nếu tái phạm sẽ bị phạt ở mức cao đến vậy”.

Tuyên truyền trước, xử phạt sau

Chiều 5/8, trao đổi với phóng viên, đại tá Tô Xuân Thiều – Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC, TP.Hà Nội cho biết, tuy Nghị định 52 đã chính thức có hiệu lực, nhưng lực lượng cảnh sát PCCC các quận, huyện ở Hà Nội chủ yếu vẫn sử dụng biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở, giáo dục ý thức cho người dân và các chủ cây xăng trên địa bàn là chính. Khi việc nhắc nhở, tuyên truyền không có kết quả thì mới tiến hành xử phạt.

Khi được hỏi về việc có người mua xăng cố tình vi phạm thì xử lý thế nào, anh Nam cho biết: “Chúng tôi chỉ có nhiệm vụ nhắc nhở mọi người chứ không có thẩm quyền xử phạt các trường hợp vi phạm”.

Còn anh Vũ Quốc Hùng – nhân viên bán hàng tại cây xăng Comeco trên đường Cách Mạng Tháng 8 (phường 8, quận 3, TP.Hồ Chí Minh) cho biết: Do thói quen của người dân và cây xăng cũng chưa kịp treo biển cảnh báo khi Nghị định 52 có hiệu lực, nên nhiều người vẫn vô tình “alo” khi đang đứng chờ mua hàng.

“Trong trường hợp này, chúng tôi chỉ nhắc nhở khách hàng để rút kinh nghiệm lần sau chứ chưa thể xử phạt ngay được, do lực lượng dân phòng, đội phòng cháy chữa cháy của phường không có mặt tại hiện trường” - anh Hùng cho biết.

Tại cây xăng Petec trên đường Tô Hiến Thành (quận 10), các nhân viên vừa bán hàng vừa tuyên truyền quy định mới về phòng cháy chữa cháy cho người mua. Tuy nhiên, theo chủ cửa hàng Nguyễn Hoài Dũng, nhiều khách hàng được bị nhắc nhở chỉ tỏ thái độ không phục hoặc cười trừ.

Tại Đồng Nai, một số chủ cây xăng cho biết, chưa nghe nói về xử phạt từ 2-5 triệu đồng đối với hành vi nghe ĐTDĐ tại cây xăng. Theo ông Phan Hồng Oanh - chủ 2 cây xăng ở địa bàn huyện Xuân Lộc:

Từ trước đến nay theo yêu cầu của ngành PCCC và để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tính mạng, tài sản của mình và cộng đồng, mỗi khi khách hàng đến đổ xăng, nhân viên bơm xăng đều yêu cầu họ không được nghe, gọi ĐTDĐ… Việc Nghị định có hiệu lực từ ngày 5/8, bây giờ cửa hàng mới biết.

Theo Dân Việt

Bình luận
vtcnews.vn