Các cuộc biểu tình đang diễn ra với sự tham gia của hàng chục nghìn người tại Thái Lan nhằm vào Nhà vua Maha Vajiralongkorn cũng như Thủ tướng Prayuth Chan-ocha. Đây được xem là thách thức lớn cho chính phủ và Hoàng gia Thái Lan.
Chiều 15/10, đám đông biểu tình đã bỏ qua lệnh cấm của Chính phủ Thái Lan ban bố để tụ tập tại một trong những giao lộ đông đúc nhất của thành phố, Ratchaprasong.
"Bị dồn vào chân tường, chúng tôi sẽ chiến đấu đến chết. Chúng tôi sẽ không lùi bước. Chúng tôi sẽ không bỏ chạy. Chúng tôi sẽ không đi đâu cả", Panupon Jadnok, một trong những người đứng đầu cuộc biểu tình, nói với đám đông.
Sự phẫn nộ của người biểu tình lên cao với nhiều băng rôn, khẩu hiệu phản đối chính phủ. “Gửi gia đình và bạn bè, nếu tôi bị hại, xin đừng giận vì tôi đã đến tham gia cuộc biểu tình. Nhưng hãy giận những kẻ đã hại người”, dòng chữ ghi trên tấm biển của người biểu tình cho hay.
Phớt lờ lời kêu gọi giải tán của cảnh sát, người biểu tình tham gia ngày càng đông. Trước đó, sáng sớm 15/10, người biểu tình tràn ra đường phố với điện thoại bật đèn sáng trong đêm.
Thái Lan buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Bangkok sau khi hàng chục người biểu tình chống chính phủ bao vây văn phòng Thủ tướng. Sắc lệnh trên cấm tụ tập từ 5 người trở lên và cho phép bắt giữ bất cứ ai vi phạm, có hiệu lực từ 4h sáng 15/10.
"Các biện pháp này là cần thiết để đảm bảo hòa bình và trật tự, ngăn chặn các sự cố tiếp theo sau vụ việc người biểu tình làm ảnh hưởng đến đoàn xe hoàng gia và dùng ngôn ngữ khiêu khích để vi phạm chế độ quân chủ", người phát ngôn của chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri, cho hay.
Sắc lệnh khẩn cấp được ban bố trong bối cảnh các cuộc biểu tình lớn liên tiếp nổ ra tại Thái Lan thời gian qua. Hàng nghìn người biểu tình, chủ yếu là sinh viên tập trung ở Tòa nhà Chính phủ, văn phòng Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha với lời kêu gọi vị thủ tướng đương nhiệm từ chức và sửa đổi hiến pháp.
Bình luận