Hiện cả nước có trên 87.000 NLĐ nước ngoài, trong đó đa số đã được cấp giấy phép lao động. Do vậy, từ tháng 12/2018, quy định việc NLĐ nước ngoài làm việc ở Việt Nam phải đóng BHXH bắt buộc sẽ mở ra cơ hội tiếp cận thêm các chế độ BHXH của quốc gia mà NLĐ đến làm việc.
Theo Nghị định số 143/2018/NÐ-CP ngày 15/10/2018 của Chính phủ, NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề, hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
Từ tháng 12/2018, người sử dụng lao động phải đóng BHXH cho những lao động là công dân nước ngoài làm việc ở Việt Nam để NLĐ được bảo đảm ba chế độ: Ốm đau, thai sản và tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Riêng hai chế độ dài hạn là hưu trí và tử tuất bắt đầu thực hiện từ đầu năm 2022.
Dù đến thời điểm này mới bắt đầu triển khai, nhưng việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH đối với lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã có quá trình chuẩn bị kỹ và được quy định cụ thể tại Luật BHXH (sửa đổi) được Quốc hội thông qua từ cuối năm 2014.
Theo đánh giá chung, việc thực hiện BHXH bắt buộc đối với nhóm đối tượng này là cần thiết trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng; đồng thời phù hợp thông lệ quốc tế và quy định của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Cụ thể, Công ước số 102 năm 1952 của ILO về an sinh xã hội và Công ước số 118 năm 1962 của tổ chức này đã nêu rõ nguyên tắc "bình đẳng trong đối xử" giữa lao động trong nước và lao động nước ngoài ở cả chín chế độ an sinh xã hội. Theo đó, việc áp dụng chính sách BHXH của một quốc gia đối với lao động của mình như thế nào thì được khuyến nghị áp dụng đối với lao động nước ngoài tương tự như vậy.
ILO cũng khuyến nghị: Luật pháp của một quốc gia áp dụng chính sách BHXH đối với công dân nước ngoài như thế nào thì công dân nước đó ở nước ngoài cũng sẽ được áp dụng chính sách BHXH tương tự. Tại ấn bản thứ II về lao động di cư vừa được công bố đầu tháng 12, ILO cũng tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu công bằng trong chính sách đối với NLĐ nhập cư.
Trên thực tế, hiện nay có nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ðức... đã áp dụng loại hình BHXH bắt buộc đối với lao động nước ngoài; đồng thời quy định người lao động những nước này tới các quốc gia khác làm việc thì sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật BHXH của quốc gia đó.
Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, trong những năm qua, lao động nước ngoài tại Việt Nam liên tục tăng nhanh, đến nay đã lên đến hơn 87.000 người. Hiện Việt Nam cũng có khoảng 600.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài.
Trong bối cảnh chúng ta đã tham gia ký kết các Hiệp định thương mại tự do, xu hướng hội nhập khu vực, phát triển kinh tế, đô thị hóa, biến đổi khí hậu và dòng chảy tự do của lao động có tay nghề giữa các nước thành viên ASEAN…, dự kiến số lượng lao động nước ngoài vào Việt Nam cũng như lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ tiếp tục tăng cao.
Chính vì vậy, việc thực hiện quy định về BHXH bắt buộc đối với NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam không chỉ bảo đảm quyền lợi cho nhóm lao động này theo những khuyến nghị và thông lệ quốc tế mà còn mở ra cơ hội cho NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được tiếp cận thêm các chế độ BHXH của quốc gia mà người lao động đến làm việc, nhất là khi Việt Nam đã hoàn tất đàm phán hiệp định song phương về BHXH với Ðức, Hàn Quốc và hiện nay đang triển khai đàm phán với Nhật Bản.
Mặc dù xung quanh vấn đề này còn một số ý kiến e ngại việc NLĐ nước ngoài tại Việt Nam phải đóng BHXH sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp, nhưng trên thực tế, theo quy định trước đây, với NLĐ không bắt buộc đóng BHXH, doanh nghiệp chi trả vào tiền lương để NLĐ tự lo liệu bảo hiểm; còn khi triển khai chính sách này, thay vì chuyển trả vào lương cho NLĐ thì doanh nghiệp sẽ chuyển trả vào quỹ BHXH và quỹ BHXH sẽ đảm bảo quyền lợi cho NLĐ...
Bình luận