Ngày 25/10, tại TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế ), Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế tổ chức hội thảo “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm có thêm cơ sở hoàn thiện đề án tổng kết 10 năm thực hiện kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa X), từ đó đề xuất Bộ Chính trị xem xét, ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế trong thời gian tới.
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ ra nguyên nhân chưa đạt mục tiêu đưa tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, một phần nguyên nhân là việc xuất phát điểm của Thừa Thiên - Huế còn thấp, quy mô kinh tế nhỏ; chưa giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa bảo tồn đô thị di sản với khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hoá và phát triển sản xuất công nghiệp, thu ngân sách thấp; hạn chế nguồn lực trong phát triển kết cấu hạ tầng.
Việc hỗ trợ nguồn vốn đầu tư công của Trung ương cho phát triển cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, xã hội, trùng tu di tích, đầm phá tại Thừa Thiên - Huế chỉ được lồng ghép qua các chương trình, dự án và chưa được ưu tiên bố trí đầu tư trực tiếp cho các dự án cụ thể theo Kết luận 48; thiếu sự hỗ trợ kịp thời của Trung ương về cơ chế huy động nguồn lực khu vực kinh tế tư nhân…
Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương chỉ ra rằng, nguyên nhân ở đây là giải quyết về mối quan hệ giữa phát triển với bảo tồn di sản văn hóa. Đây là mối quan hệ lớn nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế phải giải quyết.
"Trong thời gian 10 năm vừa qua, chúng ta gặp vướng mắc cũng ở chỗ này. Nếu chỉ đặt vấn đề phát triển Thừa Thiên - Huế thành đô thị trực thuộc Trung ương có khi lại là khác. Nhưng nói Thừa Thiên - Huế thì chúng ta phải phân tích được lợi thế so sánh, nét đặc thù riêng có của Huế mà không đâu có được.
Phải chăng đó là nền tảng văn hóa, là di sản văn hóa, là con người mới. Đi đến Huế, thấy rất nhiều nét mà không đâu có. Chúng ta muốn xây dựng, phát triển Thừa Thiên - Huế mà không dựa trên nền tảng văn hóa đó thì sẽ gặp khó khăn”, ông Nguyễn Văn Bình nói.
Tại hội thảo lần này, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, các nhà khoa học còn trao đổi, thảo luận, làm rõ các kết quả đạt được, những hạn chế tồn tại và làm rõ những nguyên nhân, từ đó, đề xuất về tầm nhìn, định hướng, mục tiêu phát triển của Thừa Thiên - Huế trong thời gian tới.
Trong đó, mục tiêu mới về phát triển Thừa Thiên - Huế được hướng đến là xây dựng địa phương trở thành thành phố di sản văn hóa của quốc gia.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng: “Chúng ta phải nhấn mạnh sự khác biệt đặc thù của Huế chính là thành phố di sản. Để Huế trở thành thành phố di sản trực thuộc Trung ương, chúng tôi đề xuất là phải có một Nghị quyết của Bộ Chính trị. Đây cũng là đặc thù riêng có của Huế”.
Bình luận