Theo kết quả điều tra ban đầu của Công an tỉnh Quảng Ninh, trong hơn 10 năm hoạt động phi pháp, nhóm này thu số tiền hàng trăm tỷ đồng. Bước đầu Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ 11 người, trong đó có 10 người về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”, 1 người về hành vi “Đánh bạc”.
Qua công tác nắm tình hình, tháng 9/2020, các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện nhóm người có hành vi cưỡng đoạt tài sản của các công ty, cá nhân chuyên cung ứng thực phẩm cho các tàu hoạt động, neo đậu tại vùng biển vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Chúng hoạt động trong một thời gian dài. Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo xác lập chuyên án và giao cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh mà nòng cốt là Phòng CSĐT Tội phạm về ma túy tập trung đấu tranh triệt phá.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 16/1/2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan đồng loạt bắt giữ và khám xét khẩn cấp nhà của 11 người trong 5 nhóm trên để điều tra về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản” và “Đánh bạc”.
Những kẻ bị bắt về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản” gồm: Nguyễn Nam Phương (biệt danh Phương “Mậu”, SN 1975, trú tại tổ 4, khu 2, phường Hồng Hà, TP Hạ Long, Quảng Ninh); Nguyễn Văn Huân (SN 1980, trú tại tổ 59, khu 6, phường Hà Khẩu, TP Hạ Long); Nguyễn Văn Hùng (SN 1974, trú tại tổ 10, khu 4, phường Hồng Hà); Đỗ Thị Út (SN 1970), Nguyễn Văn Ngát (SN 1967), Nguyễn Thị Hợp (SN 1991), Nguyễn Thị Thắm (tức Bính, SN 1966) đều trú tại tổ 4, khu 6, phường Yết Kiêu (TP Hạ Long); Dương Thị Vinh (SN 1973, trú tại tổ 7, khu 1, phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long); Đặng Thị Hà (SN 1980, trú tại tổ 2, khu 1, phường Cao Xanh, TP Hạ Long); Lê Văn Lợi (SN 1983, trú tại tổ 1, khu 5, phường Yết Kiêu).
Riêng Đinh Thị Oanh (SN 1975, trú tại tổ 6, khu 2, phường Hồng Hà, TP Hạ Long) bị bắt về hành vi “Đánh bạc”.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, biết lượng tàu ra vào, neo đậu tại khu vực vịnh Hạ Long hàng năm rất lớn, có nhu cầu mua một lượng lớn nhu yếu phẩm để đảm bảo sinh hoạt trên tàu trong thời gian dài nên Nguyễn Nam Phương và Nguyễn Văn Huân đứng ra thống nhất với 4 nhóm khác, tổng cộng 15 người để tổ chức ngăn cản các công ty, cá nhân cung cấp hàng và đưa ra yêu sách phải đóng tiền “luật” thì mới cho kinh doanh.
Trong trường hợp nhà cung ứng không nộp tiền thì quá trình mang hàng ra sẽ bị người của 5 nhóm trên đánh, đe dọa, ngăn cản việc cấp hàng, thậm chí vứt hàng xuống biển, gây thiệt hại nặng về kinh tế.
Anh Vũ Quang Tuyển (trú tại phường Đông Hải, quận Hải An, TP Hải Phòng) là nhân viên một đơn vị chuyên cung cấp vật tư lĩnh vực hàng hải cho biết, bản thân bị chèn ép rất nhiều khi đến kinh doanh tại khu vực vịnh Hạ Long.
"Nếu đơn hàng của chúng tôi vận chuyển đến đây mà không báo trước cho nhóm người này thì sẽ phải gánh chịu hậu quả ngay lập tức. Trên thực tế, nhóm tội phạm này nhiều lần đe dọa, gây áp lực cho chúng tôi”, anh Tuyển chia sẻ về những cay đắng mà mình phải chịu đựng trong suốt thời gian qua.
Anh cho biết, mỗi đơn hàng tính theo tấn thì phải nộp khoảng 1.000 USD, và tăng lên theo trọng lượng hàng hóa. “Tôi nhớ có lần không báo “luật” thì ngay sau đó người của họ lên tàu đe ném hàng xuống biển. Thời gian gần đây, trung bình đơn vị của tôi phải nộp từ 2.000 đến 3.000 nghìn USD 1 tháng”, anh Tuyển bức xúc.
Sau việc một vài nhà cung ứng ở Hạ Long và Hải Phòng bị đánh, đe dọa, ngăn cản việc cấp hàng, toàn bộ các công ty, cá nhân cung ứng hàng hóa lên các tàu neo đậu tại vịnh Hạ Long đều phải gọi điện thông báo và nộp tiền cho 1 trong 5 nhóm người trên.
Để tiện việc ăn chia, chúng chia lịch thu tiền “luật” tàu ra, vào vịnh Hạ Long theo thông tin danh sách của Cảng vụ hàng hải Quảng Ninh. Mỗi nhóm trực và thu tiền trong 1 ngày và luân phiên lần lượt từng nhóm.
Theo Thượng tá Hoàng Văn Định – Phó trưởng phòng CSĐT Tội phạm về ma túy Công an tỉnh Quảng Ninh, đơn vị trực tiếp đấu tranh với nhóm tội phạm này cho biết, sau gần 5 tháng đấu tranh, cơ quan công an xác định nhóm người này hoạt động trên 10 năm và theo ước tính ban đầu của Ban chuyên án thì số tiền cưỡng đoạt lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Do những kẻ này đều là người địa phương, trước đây từng làm nghề đánh bắt hải sản trên biển nên rất thông thạo luồng lạch, thời gian, quy luật kiểm tra của các cơ quan chức năng. Thậm chí, chúng còn nắm rõ những tàu ra, vào vịnh Hạ Long có nhu cầu mua thực phẩm, hàng hóa, phân biệt được những công ty và cá nhân có chức năng cung ứng hàng hóa để thu tiền “luật”.
Ngoài hành vi Cưỡng đoạt tài sản, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh còn xác định ổ nhóm này còn phạm các tội “Đánh bạc”, “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”; “Mua bán trái phép chất ma túy”.
Hiện, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục thu thập tài liệu, chứng cứ để khởi tố vụ án và điều tra mở rộng.
Bình luận