(VTC News) - Cơn bão số 21 hoạt động trong khu vực Thái Bình Dương và là cơn bão số 10 hoạt động trong vùng biển Đông, có tên quốc tế Wutip dự kiến đổ bộ miền Trung vào ngày 30/9.
Hồi 04h ngày 28/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 113,9 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 180km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 04h ngày 29/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,4 độ Vĩ Bắc; 111,9 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 04h ngày 30/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.
Dự báo 04 giờ ngày 30/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.Nguồn: Nchmf |
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió tây nam hoạt động mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.
Theo ông Bùi Minh Tăng, bão số 10 sau khi đổ bộ sẽ gây mưa tương đối lớn với vùng mưa rộng, mở tận ra phía Bắc như Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh và kéo dài 3-4 ngày.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của bão số 8 và gió mùa Tây Nam, vùng Trung và Nam Lào đã có mưa rất to. Lượng mưa phổ biến 200-300mm, một số nơi từ 700-800m khiến mực nước lũ sông Cửu Long đang lên rất nhanh.
Giám đốc Trung tâm DBKTTV Trung ương lo ngại, nếu lũ thượng nguồn kết hợp mưa sau cơn bão này thì khả năng lớn sẽ xảy ra lũ ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Mực nước lũ có thể xấp xỉ hoặc trên báo động III.
Trước diễn biến của bão số 10, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát lưu ý các Bộ ngành và địa phương cần tiếp tục kêu gọi, hướng dẫn tàu cá, vận tải đang hoạt động thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Trong đó, vùng nguy hiểm trong 2 ngày tới được xác định từ Vĩ tuyến 14 đến 18. Đặc biệt, khi bão đi ngang qua khu vực quần đảo Hoàng Sa đạt cấp 11, có thể gây vỡ, chìm tàu thuyền. Vì vậy, ông Cao Đức Phát lưu ý, người dân không được ở lại trên tàu thuyền khi bão đổ bộ.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương theo dõi sát diễn biến và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với bão như sơ tán dân, chằng chống nhà cửa, cắt cây tỉa cành tránh tai nạn khi bão vào đất liền.
Các tỉnh Bắc Trung bộ chuẩn bị sẵn sàng đề phòng mưa lớn gây lũ, ngập úng. Đặc biệt, tại khu vực miền Trung, vấn đề lớn nhất là việc kiểm soát các hồ chứa thủy điện và thủy lợi.
“Đề nghị Tập đoàn điện lực Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng và có kế hoạch điều tiết nước phù hợp; phối hợp với các địa phương để thông báo, hướng dẫn cho nhân dân, tránh tình trạng xả lũ khiến người dân bất ngờ, cuộc sống bị ảnh hưởng”.
Trong khi đó, BCĐ PCLB cho biết, các hồ thủy điện khu vực miền Trung hiện có hồ sông Tranh đang mở các cửa xả tràn, mực nước hiện tại là 141,58, cao trình ngưỡng tràn là 161m. Có 12 hồ đang xả điều tiết như A Lưới, A Vương, sông Ba Hạ, Srêpốk 3, Sê San 3, Sê San 4…
Bình luận