Từ lâu, đối với một số bệnh viện, xe cấp cứu “dù” móc ngoặc với “cò mồi” hoặc người trong viện đón bệnh nhân đã thành “lệ làng”.
“Phải làm rõ, chứ không dân khổ quá”
Vừa đỗ xe cứu thương để người nhà và nhân viên y tế cáng vào khu vực khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), anh Nguyễn Văn T., một lái xe cứu thương từ tỉnh Thái Bình đã phải nhanh chóng tìm chỗ đỗ xe, tránh trường hợp bị bảo vệ bệnh viện nhắc nhở.
Chia sẻ với phóng viên Tiền Phong, anh T. nói, việc liên quan đến xe cứu thương chở bệnh nhân trong các bệnh viện có quá nhiều vấn đề. “Mình chạy xe lên đón bệnh nhân về, phải nói khéo là người nhà thì may mới ra được vì họ không cho ra đâu. Xe cấp cứu cũng không được bởi vì người ta sắm xe thì cũng phải làm. Có người còn bảo “Bọn mày chỉ biết làm một mình thôi à?””, anh T. nói.
Yêu cầu phóng viên giấu kín thông tin, anh T. chia sẻ tiếp: “Bây giờ ở đâu cũng thế thôi. Người ta làm xe cứu thương thì chắc chắn người ta phải tìm khách, có phải một mình chạy đâu. Cứ phải xe của bệnh viện, còn không phải xe của bệnh viện thì đừng nói chuyện mang người ra. Ở đâu bây giờ cũng thế”, anh T. nói.
Theo anh T., khi đón bệnh nhân cũng phải có mẹo. “Phải nói khéo là người nhà của mình mới đón được, nhưng ra cổng vẫn mất 100 nghìn đồng. Nhưng như thế đón được người còn đỡ. Cẩn thận mất tiền còn không đón được ấy”, anh T. nói. Anh T. còn thông tin, có trường hợp xe cứu thương lên đây đón bệnh nhân, người ta không nói năng gì nhưng sau đó đuổi đến tận Pháp Vân chặn đánh.
Anh T. cho biết, qua hơn một năm lái xe cứu thương, anh thấy hầu như viện nào cũng có trường hợp này, nhưng gay gắt nhất vẫn là các bệnh viện lớn. “Từ tuyến dưới lên đây, chúng tôi chỉ lấy khoảng 1 triệu đồng/bệnh nhân. Chiều về, nếu mà hai khách đi ghép thì lấy rẻ từ 700 nghìn đồng đến 900 nghìn đồng/lượt. Nhưng xe cấp cứu của bệnh viện thì phải 2,4 triệu đến hơn 3 triệu đồng”, anh T. nói. Một lái xe cứu thương khác cũng từ Thái Bình chia sẻ thêm: “Đúng là bệnh viện không cho xe cứu thương ở ngoài vào chở bệnh nhân ra. Vì ở trên này cũng có xe”, anh này nói.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, anh Hà Văn N., một lái xe cứu thương ở tỉnh Yên Bái, chia sẻ: “Thường thường họ chỉ cho chở vào chứ cấm chở ra. Ở đâu chẳng thế? Họ chỉ vì tiền. Hôm nọ mấy người ở đây còn cãi nhau với tôi, hạch sách đủ điều. Báo chí phải làm mạnh vào cho dân đỡ khổ. Nhiều khi cùng quê, tiện xe, người nhà, người thân cũng không cho đón. Có khi bảo chở bệnh nhân miễn phí về nhà họ cũng không cho. Ức lắm, nhưng công việc của mình còn phải đi lại nhiều nên vẫn phải nhẹ nhàng, đành phải chịu khổ vậy”, anh N. thông tin thêm.
Một bệnh nhân điều trị gần nửa năm tại Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: Ở đây lâu tôi cũng chứng kiến nhiều cảnh éo le, bệnh nhân nghèo lo từng chục ngàn mỗi bữa ăn đã khó khăn. Nay gọi được chiếc xe cấp cứu rẻ hơn mà cũng không được đi. “Có bệnh nhân nhẽ ra phải nằm cáng mà phải cố lên xe taxi để đi ra đường Giải Phóng, rồi mới được lên xe cứu thương để về nhà. Thử hỏi có khổ không?”, bệnh nhân này bức xúc.
Luật ngầm
Tài xế Thanh Phúc, lái xe một hãng xe cấp cứu ở Hà Nội chia sẻ: Cản trở xe đi đã đành, đôi khi bảo vệ còn kiểm tra, hạch sách cả với những xe đang chở bệnh nhân cấp cứu đến bệnh viện. Mới đây, ngày 7/7, anh Phúc lái xe đưa bệnh nhân đến cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai, trên đường vào khoa Cấp cứu, bảo vệ yêu cầu lái xe mở cửa để kiểm tra có bệnh nhân hay không. “Cứu người như cứu hỏa, chậm một giây cũng nguy hiểm, thử hỏi làm vậy còn tình người không”, lái xe này nói.
Đối với dân lái xe cứu thương, tình trạng “bảo kê”, thỏa thuận “ngầm” giữa nhiều bệnh viện lớn tại Hà Nội với những xe cứu thương “ruột” đã không còn là điều mới mẻ. Thậm chí, một số hãng xe cứu thương còn từ chối đón bệnh nhân tại một số bệnh viện vì sợ va chạm.
Anh Lê Văn Dũng (22 tuổi) lái xe cho một hãng xe cứu thương tư nhân thậm chí còn đưa phóng viên một danh sách “không đón khách”: Bệnh viện Bỏng Quốc gia, Bệnh viện 103, Bệnh viện K (quận Hà Đông), Bệnh viện Nhi Trung ương (quận Đống Đa)… để tránh gặp phải “bảo kê”.
Tài xế Dũng kể, từ đầu tháng 3/2016 đến nay, anh chưa một lần trở lại đón khách tại Viện Bỏng Quốc gia (263 Phùng Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội).
Theo lời kể của anh này, đầu tháng 3/2016, tổng đài có điều xe của anh đến đón bệnh nhân tại viện này. Sau khi làm thủ tục ra viện, đưa bệnh nhân lên cáng chuyển lên xe cấp cứu thì xuất hiện hai thanh niên đột ngột chặn xe, lôi anh này ra khỏi xe và đấm đá túi bụi mặc lời khuyên can từ người nhà bệnh nhân. Đến khi tài xế bất tỉnh, hai đối tượng này mới bỏ đi.
Xe cứu thương tư nhân bị gây khó dễ đã đành, ngay cả xe cứu thương nhà nước, gắn biển xanh cũng không dễ dàng gì đón khách. Thông tin từ Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, tài xế xe cấp cứu nhiều lần bị “hỏi thăm”, dọa dẫm khi đưa bệnh nhân ra viện. Trong đó, Bệnh viện 103 có 2 - 3 trường hợp bị chặn xe, ném đá không cho xuất viện.
Cần quản chặt xe cấp cứu “dù”
Ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cho rằng: Vụ bảo vệ BV Nhi T.Ư ngăn cản không cho xe cứu thương ra viện khiến cháu bé ở Nghệ An tử vong khi chưa kịp về nhà là đỉnh điểm mâu thuẫn lợi ích giữa nhóm bảo vệ với người bệnh. Tuy nhiên, hoạt động cấp cứu liên quan trực tiếp đến tính mạng con người nên đây là hành động không thể chấp nhận được.
Theo lãnh đạo Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, để vụ việc xảy ra là do hoạt động cấp phép xe cứu thương hiện nay còn có vấn đề. Nhiều “xe dù” không đáp ứng được điều kiện về phương tiện sơ cứu thiết yếu, không có cán bộ y bác sĩ đủ trình độ… vẫn thường xuyên hoạt động tại địa bàn Thủ đô.
Những xe này móc ngoặc với các “cò xe” tại các bệnh viện để đón trả bệnh nhân. Bệnh nhân nếu gặp phải những xe này sẽ bị “thiệt đơn, thiệt kép” do chịu mức phí cao, nếu có phát sinh vấn đề trên đường thì rất khó xử lý. “Cần áp dụng những chế tài xử phạt mạnh, quyết liệt với xe “dù”, như vậy vấn nạn móc ngoặc, chặn xe mới có thể giải quyết tận gốc rễ được”, lãnh đạo 115 Hà Nội cho hay.
Video: Bảo vệ chặn xe cứu thương ở bệnh viện
Được biết, nhiều bệnh viện lớn tại Hà Nội cũng đã siết chặt hoạt động của loại xe cấp cứu “dù” bằng cách phối hợp với Công an thành phố, tuy nhiên việc xử lý vẫn chưa hiệu quả. Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, bà Trần Thị Nhị Hà, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y tế tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, hiện nay đơn vị mới chỉ cấp phép cho 4 công ty hành nghề vận chuyển cấp cứu trên địa bàn Hà Nội. Số còn lại có nhiều xe hoạt động “chui”, không được cấp phép.
Được biết, nhiều bệnh viện lớn tại Hà Nội cũng đã siết chặt hoạt động của loại xe cấp cứu “dù” bằng cách phối hợp với Công an thành phố, tuy nhiên việc xử lý vẫn chưa hiệu quả. Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, bà Trần Thị Nhị Hà, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y tế tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, hiện nay đơn vị mới chỉ cấp phép cho 4 công ty hành nghề vận chuyển cấp cứu trên địa bàn Hà Nội. Số còn lại có nhiều xe hoạt động “chui”, không được cấp phép.
Bình luận