• Zalo

Báo Thái Lan: Sao không nhìn tấm gương bóng đá Việt Nam mà học hỏi?

Thể thaoThứ Năm, 21/02/2019 07:00:00 +07:00Google News

Tờ Mainstand của Thái Lan cho rằng bóng đá Việt Nam thăng hoa nhờ sở hữu hệ thống đào tạo trẻ bài bản và hợp lý không thua gì bóng đá Đức hay các nước châu Âu khác.

Bóng đá Đông Nam Á từng chứng kiến sự thống trị tuyệt đối của Thái Lan ở cả sân chơi AFF Cup hay SEA Games. Trong suốt chiều dài lịch sử, người Thái đặt dấu ấn và luôn là ứng cử viên vô địch nặng ký ở các giải đấu cấp ĐTQG hay đội tuyển trẻ, trong đó có tới bốn năm liên tiếp (2014, 2015, 2016, 2017) vô địch cả AFF Cup lẫn SEA Games.

Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi khi HLV Park Hang Seo bén duyên với bóng đá Việt Nam. Thành công của U23 Việt Nam, Olympic Việt Nam, tuyển Việt Nam ở sân chơi châu Á cùng chức vô địch AFF Cup 2018 đã thay đổi cán cân quyền lực ở Đông Nam Á. Giờ đây, bóng đá Việt Nam chính thức chiếm "ngai vàng" của người Thái trên phương diện ĐTQG và phần nào đó là đội tuyển trẻ.

tuyen viet nam 7

Bóng đá Việt Nam đang thăng tiến ngoạn mục.

Đánh giá về thành công của bóng đá Việt Nam, tờ Mainstand của Thái Lan đã có bài phân tích kỹ lưỡng, trong đó có phần phân tích nguyên nhân giúp thầy trò HLV Park Hang Seo thăng tiến với tốc độ rất nhanh và khiến cả châu lục phải ngỡ ngàng.

"Việt Nam phát triển bóng đá theo cách có hệ thống. Bắt đầu từ nền tảng đào tạo trẻ kết hợp giữa hệ thống đào tạo của VFF và lò trẻ của các CLB (giống như bóng đá Đức hay các nước châu Âu khác), họ đã tạo nên những cầu thủ có chất lượng tốt nhất.

Các HLV cũng đào tạo những đứa trẻ chơi bóng từ khi mới 6, 7 tuổi, nuôi dưỡng tính kỷ luật cho các cầu thủ thông qua các hoạt động thú vị khác ngoài bóng đá. Từ đội U16 Việt Nam đến ĐTQG, bóng đá Việt Nam đều thống nhất lối chơi chung.

Khi ở cấp độ trẻ, các cầu thủ không phải lo lắng về thất bại, nhưng khi trưởng thành, họ được đào tạo chiến thuật tốt hơn, chơi như một đội bóng đúng nghĩa, chứ không cần phải tập trung vào bất cứ ngôi sao nào" - Trisit, người đại diện từng đưa một loạt danh thủ Thái Lan như Niwes Siriwong, Sakda Jeerdee, Nirut Surasakon, Kiatisak Senamuang sang Việt Nam, chia sẻ.

Video: U22 Việt Nam 4-0 U22 Đông Timor

Mainstand phân tích thêm: "Bóng đá Việt Nam đầu tư vào các tuyến trẻ trong hơn 10 năm qua. Dù mọi thứ không thật sự thuận lợi khi U19 Việt Nam thua U19 Thái Lan 0-6 trong trận chung kết U19 Đông Nam Á, kết quả khiến nhiều CĐV thất vọng, nhưng những người làm bóng đá vẫn đặt niềm tin vào thế hệ trẻ, tin vào cách làm bóng đá của họ. Để rồi, U19 Việt Nam lọt vào bán kết U19 châu Á và được dự U20 World Cup.

Tuyển Việt Nam cũng vô địch AFF Cup với đội hình gồm nhiều cầu thủ từ 23 tuổi trở xuống. Ở Asian Cup 2019, tuyển Việt Nam vào tới tứ kết bằng đội hình có 16 cầu thủ U23. Đây là thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam, có thể sánh với thế hệ vàng năm 2014 của bóng đá Thái Lan. Từ chỗ bị đánh bại bởi đội trẻ của Thái Lan, họ đã đứng lên và trở thành người hùng dân tộc" - báo Thái Lan khẳng định.

Mainstand cũng nhấn mạnh vai trò của HLV Park Hang Seo trong chặng đường "hoá rồng" của bóng đá Việt Nam: "Ông Park đến và thúc đẩy tính kỷ luật, giúp các cầu thủ tăng cường thể chất mỗi ngày. Cầu thủ Việt Nam phải tập luyện chăm chỉ từ sáng đến tối để đạt thể trạng tốt nhất mỗi khi vào sân.

Dưới thời HLV Park Hang Seo, cầu thủ Việt Nam chơi bền bỉ dẫu phải đá 120 phút/ trận và được nghỉ có 3, 4 ngày. Điều đó khác xa Thái Lan với những cầu thủ không biết có chạy nổi 90 phút trong trận hay không".

Quang Hai

Quang Hải đã chơi với tần suất dày đặc trong năm 2018 và đầu năm 2019.

Tờ báo Thái Lan điểm qua mối duyên nợ quá khứ giữa bóng đá nước nhà và bóng đá Việt Nam, từ thời điểm những cầu thủ hay nhất của xứ chùa vàng sang V-League thi đấu như Kiatisak, Dasakorn Thonglao,... đến khi bóng đá Thái Lan phải chứng kiến cuộc chuyển giao quyền lực chỉ gói gọn trong năm 2018.

"Bóng đá Việt Nam muốn đi bước tiếp theo, đó là vượt qua người Thái và trở thành đội bóng dẫn đầu khu vực. Nếu không xem mục tiêu vượt qua Thái Lan là quan trọng, Việt Nam chưa chắc tiến xa như bây giờ. Ngược lại, Thái Lan có thể học hỏi từ Việt Nam, mang niềm cảm hứng và sức bật của họ để áp dụng cho nền bóng đá của mình" - Mainstand đánh giá.

"Thể chất là điều quan trọng nhất mà Thái Lan cần học hỏi Việt Nam. Cầu thủ Thái Lan  hơn cầu thủ Việt Nam, nhưng nếu đối đầu trực tiếp, Thái Lan sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi cầu thủ Việt Nam có thể chất tốt hơn chúng ta nhiều.

Cầu thủ Việt Nam không bao giờ phàn nàn vì phải tập nặng, trong khi cầu thủ Thái Lan thì khác. Thể chất phản ánh cả thái độ. Hãy nhìn xem, họ tập mỗi ngày, mỗi sáng, mỗi tối, còn chúng ta thì không tập được như thế. Phải có thể chất như cầu thủ Việt Nam, Thái Lan mới đá tốt được cả trận" - Trisit nhận định.

thai lan

Tuyển Thái Lan có dấu hiệu chững lại.

"Tôi xem các cấp độ đội tuyển Việt Nam từ U19 và thấy họ có đường hướng phát triển rõ ràng. Nhờ cải thiện thể hình, thể chất, họ đã thay đổi rất nhiều. Bóng đá Thái Lan hãy nhìn Việt Nam, học cách phát triển của họ. Tuyển Việt Nam cũng là đội tuyển đến từ châu Á như chúng ta. Không nhìn những tấm gương gần gũi như thế mà cứ học hỏi ở những nơi khác, Thái Lan sẽ không tìm thấy sự hiệu quả" - Wiron Wichienwatt, cựu cầu thủ Thái Lan chia sẻ.

Tuy nhiên, Mainstand cũng chỉ ra điều "an ủi" với bóng đá Thái Lan, là Thái League hiện tại đang vượt xa V-League.

"Người Việt Nam để ý tới Thái League khi HLV cũ của họ là ông Henrique Calisto sang dẫn dắt Muangthong United. Các đội bóng Việt Nam phải học tập các đội Thái Lan.

Nhiều CLB Việt Nam cử người sang Thái Lan để học hỏi, nhất là từ những đội như Buriram United hay Muangthong. Ai ở Việt Nam cũng muốn giải VĐQG của họ tốt được như Thái Lan. Dẫu vậy, với cầu thủ Việt Nam, K-League (Hàn Quốc) hay J-League (Nhật Bản) mới là giải đấu đáng mơ ước, hơn là Thái League".

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn