Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, Bà Rịa Vũng Tàu và TP.HCM là 2 tỉnh sẽ trực tiếp bị ảnh hưởng của cơn bão số 9.
Theo đó, ngày 25/11 TP.HCM sẽ có mưa rất to (100-200mm) và có khả năng xảy ra lốc xoáy. Nguy cơ rất cao mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập lụt trên diện rộng.
Theo ghi nhận của PV VTC News, 6h ngày 25/11, tại TP.HCM đã xuất hiện mưa và càng nặng hạt hơn khi bão số 9 áp sát đất liền.
Tại thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, từ sáng 25/11 đã xảy ra tình trạng mưa lớn, kèm theo gió giật mạnh nên nhiều người dân đã tìm cách gia cố lại nhà, đóng các bao cát chèn lên mái tôn.
Tại khu vực ven biển huyện đảo Cần Giờ đã xuất hiện những đợt sóng cao, gió giật mạnh liên hồi. Nhiều cây xanh ven biển đã bị quật gã cành, đổ ngã.
Ở khu vực trung tâm TP.HCM mưa lớn khiến phương tiện khó khăn, nhiều người dân hạn chế ra đường. Nhiều cửa hàng kinh doanh đã buộc phải đóng cửa vì mưa lớn ở một số khu vực.
Hiện mực nước trên các sông rạch TP.HCM ở mức cao. Đỉnh triều đo tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn là 1,52-1,62 m, trên báo động 3 từ 0,05-0,12 m, và còn tiếp tục lên. Theo dự báo, mưa lớn kết hợp với triều cường dâng cao nhiều khả năng gây ngập lụt cho TP.HCM.
Tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, đặc biệt là khu vực biển Vũng Tàu xuất hiện mưa lớn kèm theo gió giật rất mạnh, sóng biển dữ dội. Nhiều nhánh cây bị mưa, gió quật gãy.
Theo ghi nhận của PV, thì đến 7h ngày 25/11 người dân đã hạn chế ra đường vì mưa rất lớn kèm theo gió giật.
Theo Trung tâm dự báo, sáng 25/11, vị trí tâm bão còn cách Vũng Tàu khoảng 60km, cách Bến Tre 110km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 13.
Tại xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang, sáng cùng ngày mưa lớn cũng bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên vẫn có nhiều người, nhiều bạn trẻ chủ quan tìm đến khu vực cầu tàu để chụp ảnh lưu niệm.
Tại huyện Lagi, Bình Thuận đang mưa rào, xuất hiện gió mạnh.
Tại Nha Trang (Khánh Hoà) mưa lớn khiến đường Nguyễn Tất Thành ngập nước.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 4h ngày 25/11, vị trí tâm bão còn cách Vũng Tàu khoảng 60km, cách Bến Tre 110km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp13.
Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km, bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được 5-10km, đi vào đất liền các vùng từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 8, giật cấp 11-12; sau đó đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km, bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km tính từ tâm bão.
Đến 16h ngày 25/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 10,8 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/h), giật cấp 8.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12-13, biển động rất mạnh. Sóng trên biển vùng gần tâm bão cao 5-7m, vùng gần bờ cao 2-4m.
Trên đất liền các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; riêng vùng ven biển Nam Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Vùng ven biển các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8.
Sâu trong đất liền các tỉnh Đông Nam Bộ có gió giật mạnh, lốc xoáy trên toàn bộ khu vực Nam Bộ. Đồng thời do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, khu vực Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm; khu vực Bắc Tây Nguyên và Tây Nam Bộ có mưa to.
Từ đêm 25/11 đến đêm 27/11, do ảnh hưởng hoàn lưu sau bão kết hợp với không khí lạnh từ phía Bắc tăng cường nên mưa to đến rất to mở rộng ra các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, lượng mưa phổ biến: các tỉnh Quảng Trị, Khánh Hòa (50-80mm/ngày); ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Phú Yên (80-150mm/ngày); ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (100-200mm/ngày).
Bình luận