• Zalo

Bão số 13 đổ bộ Biển Đông: Chuyên gia thông tin thời tiết Đà Nẵng dịp APEC

Thời sựThứ Sáu, 10/11/2017 07:22:00 +07:00Google News

Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ thông tin về cơn bão gần Biển Đông và tình hình thời tiết Đà Nẵng trong những ngày cao điểm của Tuần lễ cấp cao APEC.

Trong khi người dân miền Trung vẫn chưa khắc phục xong hậu quả cơn bão số 12 thì cơn bão có tên quốc tế Haikui lại đang nhăm nhe tiến vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 13 trong năm nay.

Thông tin này khiến nhiều người lo ngại bởi thời điểm này, ở TP Đà Nẵng đang diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của Tuần lễ cấp cao APEC.

Liên quan đến vấn đề thời tiết được nhiều người dân quan tâm, ngày 9/11, PV VTC News đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Phùng Bảo - Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ.

1_142603

 Ông Đinh Phùng Bảo phát biểu trong một cuộc họp.  

- Sau khi cơn bão số 12 đi qua, tình hình mưa lũ tại khu vực Trung Trung Bộ thế nào và ông có thể đưa ra những nhận định về thời tiết khu vực này trong những ngày tiếp theo?

Từ 3/11 đến nay, do chịu ảnh hưởng của cơn bão số 12, không khí lạnh, nhiễu động trường gió đông trên cao nên khu vực Trung Trung Bộ nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng đã có mưa to, mưa đặc biệt to. Tâm mưa lớn tập trung chủ yếu từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.

Mưa có cường độ mạnh nhất tập trung trong ngày 4 và 5/11 với lượng mưa cao nhất trong ngày nhiều nơi trên 500mm (ngày 5/11): A Lưới 725.4mm, Tà Lương 634.2mm, Nam Đông - Thượng Nhật: 550-580mm; Trà Bồng 645.8mm, đặc biệt Bạch Mã mưa 1.258mm/ngày.

Từ 3/11 đến nay, trên các sông từ nam Quảng Bình đến Quảng Ngãi xuất hiện một đợt lũ, lũ lớn xuất hiện trên các sông từ Thừa Thiên Huế tới Quảng Ngãi ở trên mức BĐ3 khá nhiều, đặc biệt trên sông Bồ, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Vệ, sông Trà Bồng đã xuất hiện lũ đặc biệt lớn.

Hiện nay, do các hồ chứa xả lũ để hạ thấp mực nước hồ về mực nước trước lũ, nên lũ trên sông Hương, sông Bồ, các sông thuộc Quảng Nam đang xuống rất chậm.

Theo tôi dự báo, xu thế thời tiết 10 ngày tới sẽ tốt dần, trời giảm mưa, nắng xuất hiện nhiều hơn trong ngày

2017110912z 4

Dự báo sáng 10/11, bão Haikui sẽ đi vào Biển Đông. 

.- Người dân cả nước đang rất quan tâm đến tình hình thời tiết ở TP Đà Nẵng trong những ngày diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của Tuần lễ cấp cao APEC. Vậy ông có thể đưa ra dự báo tình hình thời tiết ở khu vực này trong những ngày tới?

 
Trong những ngày diễn ra APEC 2017 (từ 9-11/11), thời tiết ở Đà Nẵng sẽ tốt dần lên, không còn hiện tượng mưa lớn như những ngày qua.

Ông Đinh Phùng Bảo

Theo kết quả dự báo mới nhất của chúng tôi, trong những ngày diễn ra APEC 2017 (từ 9-11/11), thời tiết Đà Nẵng sẽ tốt dần lên, không còn hiện tượng mưa lớn như những ngày qua. Mưa chỉ còn tập trung chủ yếu vào đêm và sáng sớm với lượng không lớn (phổ biến 5-20mm/ngày), có nơi mưa cao hơn 20-30mm/ngày.

Với lượng mưa dự báo như vậy thì khả năng ngập lụt khó xảy ra và không gây ảnh hưởng cũng như khó khăn nhiều cho các hoạt động của Tuần lễ cấp cao APEC.

 - Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông miền Trung Philippines đã mạnh lên thành bão có tên quốc tế Haikui và sáng 10/11, bão sẽ đi vào Biển Đông. Theo ông, cơn bão này có đổ bộ vào đất liền và ảnh hưởng đến thời tiết Đà Nẵng không? 

Trong 2 ngày tới (10-11/11), cơn bão này sẽ không gây thời tiết xấu cho TP Đà Nẵng.

Diễn biến của cơn bão còn khá phức tạp do đó cần theo dõi thêm. Về vấn đề đổ bộ của bão thì hiện nay vẫn còn sớm để nhận định khả năng bão đi vào đất liền nước ta (vào đâu, tốc độ gió ra sao…), nhưng khả năng bão số 13 đổ bộ vào đất liền nước ta là có.

Xin cảm ơn ông!

Kịch bản xấu nhất là bão đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ

Trước đó, trả lời báo chí về tình hình thời tiết trong thời gian tới, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, hiện nay, lượng mưa ở khu vực Trung Bộ (Nghệ An - Phú Yên) giảm còn khoảng 20-50 mm.

Trong khi đó, áp thấp nhiệt đới ngoài khơi Philippines đêm nay và sáng mai (10/11) tiếp tục đi sâu vào Biển Đông. “Mô hình dự báo của Mỹ và Nhật Bản đều cho thấy áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên khi đi vào quần đảo Hoàng Sa, rồi lệch dần về phía bắc, không ảnh hưởng tới đất liền”, ông Cường chia sẻ.

Lý giải cho việc này, ông Cường cho biết, ngày 14-15/11, không khí lạnh tăng cường từ phía bắc xuống tác động khiến bão suy yếu, gây gió mạnh.

Bên cạnh đó, kịch bản xấu nhất được ông Cường đưa ra là bão đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, gây mưa lớn. Hiện nay đang là thời điểm cuối mùa và kết hợp với không khí lạnh, hoạt động của bão có thể rất phức tạp như cơn bão số 12 hoặc suy yếu khi vào giữa Biển Đông, bẻ ngoặt lên phía bắc.

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên Môi trường cũng lo ngại với kịch bản này và cảnh báo người dân chuẩn bị phòng chống kịp thời.

Video: Dân Khánh Hòa hoang mang vì nhiều tin đồn thất thiệt sau bão số 12

 

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn