Ngày 16/9, Thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết, bão số 10 đã làm 1 người chết, hàng trăm ngôi nhà tốc mái, hàng trăm hécta hoa màu bị ngập úng.
Video: Hình ảnh khủng khiếp do bão số 10 gây ra ở các tỉnh miền Trung
Mưa bão đã làm 5.000 cây lâm nghiệp bị đổ, gãy; hơn 2.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 35.000m3 đê bao nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi; 470m đê dưới cấp III bị sạt lở; 220m kè bị sạt lở; 3 cống bị hư hỏng.
Tàu khai thác thủy, hải sản bị chìm 1 cái; tường rào bị đổ 530 m; bến cá bị sạt 30.000 m3; 108 nhà bị ngập nước, 1 trường học bị ảnh hưởng, 642 ha lúa và 106 ha rau màu bị thiệt hại.
Tại TP Sầm Sơn, cống Đồng Màu tại K60+870 đê hữu sông Mã (đê cấp IV) thuộc thôn Tiến Lợi, xã Quảng Cư (TP Sầm Sơn) bị hư hỏng hệ thống đóng mở, đóng không kín nước làm nước chảy từ phía sông sang phía đồng.
Tại huyện Tĩnh Gia, theo báo cáo nhanh của ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, tính đến 4h ngày 16/9, bão số 10 đã làm 1 người bị chết (ông Phạm Xuân Cường, SN 1973, thôn 1, xã Xuân Lâm) khi đi đánh cá bị nước lũ cuốn trôi ngày vào ngày 15/9.
Tại huyện Quảng Xương, bờ biển tại xã Quảng Nham đã bị sóng biển đánh sạt sâu thêm vào đất liền 6-7m, với chiều dài 5,2km.
Tại huyện Hoằng Hóa, đường và kè khu sinh thái Hải Tiến đã bị mưa bão làm sạt 3km. Nước biển dâng cao và sóng lớn cũng đã gây thiệt hại lớn cho sản xuất của người dân.
Theo thống kê mới nhất của UBND xã Hoằng Trường, đã có 2 khu đồng tôm của người dân nuôi tôm đến kỳ thu hoạch bị sóng đánh vỡ đồng, ước thiệt hại hơn 1 tỉ đồng.
Tại huyện Nga Sơn, tính đến sáng 16/9, đã có 1 tàu đánh cá bị chìm đó là tàu khai thác ngao mang số hiệu TH 91418 TS có công suất 210 CV của chủ tàu Nguyễn Văn Cử (SN 1980, trú tại thôn Nam Vượng, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) trong khi đang neo đậu tại bến thuộc thôn Hậu Trạch, xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) thì gặp sự cố nước tràn vào khoang khiến tàu bị chìm.
Tại huyện Hậu Lộc, nước biển dâng cao đã làm ngập khoảng 20 ha nuôi trông thủy hải sản của người dân, ước tính thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng.
Trả lời VTC News trưa 16/9, ông Nguyễn Văn Luệ, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho biết hiện vẫn chưa có bất cứ thông tin gì về 11 ngư dân đi câu mực trên tàu do anh Nguyễn Văn Tuy (trú thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc) làm chủ tàu.
“Chúng tôi đã báo cáo sự việc này lên UBND tỉnh và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa để tăng cường các biện pháp tìm kiếm, cứu nạn.
Hiện nay tỉnh Thanh Hóa cũng đã liên lạc với các ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh khác để phối hợp tìm kiếm. Phạm vi tìm kiếm đã được mở rộng đến tỉnh Khánh Hòa”, ông Luệ cho biết.
Bình luận