Không phải là một “bức màn sắt”, mà là bức màn của sự ngờ vực đang chia cách châu Âu - nhà phân tích chính trị Helene Carrere d’Encausse nhận định trong bài viết cho tờ Paris Match. Bà lưu ý, khi Liên Xô sụp đổ, châu Âu giành lấy các nước Đông Âu, mà không nhận ra rằng, chính Nga cũng cần sự giúp đỡ. Nước Nga thời điểm đó đang trong tình trạng hỗn loạn, và sự xuất hiện của Putin đã giúp lập lại trật tự. Ông thiết lập một sự điều hành quyền uy dựa trên nguyên tắc là một quốc gia rộng lớn như vậy cần phải được tập trung hóa.
Khi các cuộc biểu tình diễn ra ở Nga vào những năm 2011-2012, ông Putin vẫn được bầu lại, bởi những người dân Nga theo khuynh hướng truyền thống cần sự trật tự đó. Nhưng cũng có một tầng lớp trung lưu tìm cách thể hiện những ý tưởng mới, và họ không phải là những người nhận sự giáo dục từ thời Liên Xô. Họ đưa ra một lựa chọn khác so với thế hệ trước - tác giả bài báo viết.
Tuổi thọ ở Nga được nâng lên trong khoảng thời gian này: đàn ông là từ 56 tuổi dưới thời ông Gorbachev được nâng lên 67 tuổi. Nhà khoa học chính trị gọi đó là một cuộc cách mạng và ghi nhận nó là công sức của ông Putin. Người Nga cũng xem việc đưa Crưm trở về và việc đưa Nga quay trở lại trường quốc tế thông qua kế hoạch hành động ở Syria đều là công trạng của ông Putin.
Như nhà khoa học chính trị lưu ý, chế độ Xô Viết kéo dài 3 thế hệ, và người dân nhận được sự giáo dục trong hệ thống này. Sau đó, với việc nhất trí về sự thống nhất của nước Đức, ông Gorbachev đã nhận được sự đảm bảo từ NATO rằng, liên minh này sẽ không mở rộng đến biên giới Nga. Hiện giờ Khối Warszawa đã không còn nữa, nhưng người Nga đang tự hỏi tại sao NATO vẫn tồn tại cho đến tận ngày nay - bà Helene viết.
“Khi tôi đọc những lời của ông Stoltenberg, Tổng thư ký NATO, người nói rằng Nga là mối đe dọa đối với an ninh, tôi hết sức ngạc nhiên” - nhà khoa học chính trị thừa nhận. Trong khi đó, ông Macron, với những phát ngôn về việc “chết não” của NATO, đang cảm thấy rằng vấn đề thực sự tồn tại - bà lưu ý.
Nước Pháp trong truyền thống Tướng de Gaulle vẫn coi Nga là đồng minh. Hơn nữa, ngày nay, Nga đã trở thành cầu nối thực sự tới châu Á vào thời điểm mà địa chính trị thế giới đang chuyển hướng sang phương Đông. “Người Nga có bản sắc châu Âu. Người Nga có vận mệnh châu Âu. Nhưng họ có thể kết nối châu Âu với châu Á” - chuyên gia đưa ra kết luận trong bài viết cho Paris Match.
Bình luận