• Zalo

Báo Phần Lan: Khối Warszawa không còn, NATO cũng nên giải thể

Thế giớiChủ Nhật, 27/10/2019 07:19:00 +07:00Google News

Sự yếu kém của NATO khi để Thổ Nhĩ Kỳ tấn công chống lại người Kurd đặt ra câu hỏi về sự cần thiết của Liên minh Bắc Đại Tây Dương - theo Hufvudstadsbladet.

Người Kurd là dân tộc phải chịu đựng nhiều nhất trong lịch sử, và ngày nay NATO lại khiến họ phải ấm ức, thậm chí phó mặc tính mạng mình cho số phận trước các đòn tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo ấn phẩm Hufvudstadsbladet, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã chỉ ra sự yếu kém, không tương xứng với vị thế của một đội hình quân sự mạnh nhất thế giới.

Liên minh đang ở trong tình thế khó khăn: một sai lầm sẽ là cái cớ để ông Donald Trump buông lời chỉ trích. Cũng không thể lên án được Thổ Nhĩ Kỳ, bởi Điều 5 Hiến chương NATO quy định rằng, toàn bộ Liên minh đều phải hỗ trợ mỗi thành viên của mình nếu xảy ra tình trạng chiến tranh.

Tuy nhiên, theo tờ báo Phần Lan, ông Trump lại có cách nhìn khác về Hiến chương NATO. Khi Estonia – thành viên gia nhập NATO chỉ 5 năm trước – có mâu thuẫn với Nga, ông Trump đã cảnh báo rằng có thể có ngoại lệ đối với Điều 5 trong Hiến chương. Và thế là người Estonia phải im lặng.

11

Khi Khối Warszawa không còn, NATO cũng nên giải thể? (Ảnh: Reuters)

Theo tác giả của bài báo, các sự kiện ở Syria và Kurdistan (một vùng đất người Kurd sinh sống) là động lực để nghĩ đến việc tạo ra một liên minh quân sự mới trong khuôn khổ EU. Đội quân lớn giờ đây đã là khái niệm lỗi thời. Ngày nay, tất cả đều đang chế tạo vũ khí cho “cuộc chiến giữa các vì sao” và cuộc chiến không gian mạng – thứ có thể loại bỏ hoàn toàn các hệ thống máy tính khỏi đội hình chiến đấu.

Với việc sử dụng tên lửa dẫn đường vệ tinh và tên lửa liên lục địa, các quốc gia có thể bị đe dọa vô hiệu hóa hoàn toàn chỉ trong vài giờ, ngay cả khi kẻ thù đang ở đầu bên kia thế giới. Chỉ có Không quân là có thể thực hiện nhiệm vụ một cách chính xác, như những gì chúng ta đã thấy ở Syria.

 Hufvudstadsbladet tin rằng, các nước vừa và nhỏ sẽ không thể theo kịp sự phát triển như vậy, nhưng nếu là toàn bộ EU thì hoàn toàn có khả năng. Về phần mình, các quốc gia riêng lẻ có thể duy trì lực lượng vũ trang nhỏ của mình để dùng cho các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình.

NATO đáng lẽ cũng nên được giải thể từ năm 1991, khi Khối Warszawa tan rã. Các thành viên châu Âu của NATO chưa bao giờ muốn tham gia vào các cuộc chiến tranh của Mỹ, như ở Iraq và Syria vừa qua, khi mà người Mỹ chỉ biết ném bom vô tội vạ vào tất cả các bên tham chiến mà không có bất cứ kế hoạch nào. Tuy nhiên, mặt tốt của ông Trump là ông, cũng như ông Barack Obama, không có thói quen giống như các đời Tổng thống Mỹ khác – nhất định phải khơi mào một cuộc chiến nào đó” - tờ báo Phần Lan viết.

Văn Đức
Bình luận
vtcnews.vn