• Zalo

Báo nước ngoài: Thắm thiết quan hệ Việt Nam-EU

Thế giớiThứ Tư, 15/10/2014 03:28:00 +07:00Google News

'Thắm thiết quan hệ Việt Nam-EU' là một trong các tiêu đề của báo chí châu Âu nhân chuyến thăm và làm việc tại châu Âu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

'Thắm thiết quan hệ Việt Nam-EU' là một trong các tiêu đề của báo chí châu Âu nhân chuyến thăm và làm việc tại châu Âu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tạp chí Temadaily Bulgaria đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Bulgaria Lê Đức Lưu nhân chuyến thăm châu Âu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong đó nhấn mạnh vào quan hệ Việt Nam-EU và  ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyến thăm.

Tạp chí dẫn đăng các số liệu cho thấy quan hệ Việt Nam với châu Âu được thúc đẩy và phát triển trong nhiều năm qua. EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 17,7% tổng số hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy - Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Giá trị xuất khẩu Việt Nam sang EU năm 2012 đã lên tới 20,3 tỷ USD, xuất khẩu của EU vào Việt Nam đạt 8,8 tỷ USD. Từ 2012, hai bên đã bắt đầu đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) và dự kiến sẽ kết thúc trong năm nay.

Nhiều tờ báo khác tại EU nhận định, từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 10/1990, quan hệ Việt Nam-EU đã và đang phát triển nhanh chóng. Trong đó, thương mại là trụ cột quan trọng, thể hiện qua việc hai bên chính thức ký kết Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) cũng như hướng tới kết thúc đàm phán EVFTA.

Hiện EU cũng là nhà tài trợ “vàng” của Việt Nam theo hình thức hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) với ngân sách viện trợ liên tục tăng từ 140 triệu Euro trong giai đoạn 1996-2001 lên 304 triệu Euro giai đoạn 2007-2013.

EU cam kết trong giai đoạn 2014-2020 sẽ viện trợ cho Việt Nam 400 triệu Euro, tập trung vào 2 lĩnh vực là năng lượng bền vững và quản trị quốc gia.

Trong bài viết trang web chuyên về các vấn đề Đông Nam Á Sudestasiatico.com, tác giả Roberto Tofani đưa ra nhận định quá trình đàm phán FTA Việt Nam-EU được kỳ vọng sẽ kết thúc vào cuối tháng này.

Hiệp định sẽ tạo ra một động lực mới trong quan hệ kinh tế giữa quốc gia Đông Nam Á với  EU.

Cùng nhận định về sự phát triển quan hệ thương mại Việt Nam-EU, tác giả Rafał Tomański, trong bài viết đăng trên trang http://www.rp.pl ngày 12/10 của Ba Lan, cho rằng, nội dung chuyến thăm các đối tác châu Âu lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xoay quanh việc đàm phán EVFTA.

Hiệp định này nếu được ký kết sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai bên. Việc ký kết EVFTA sẽ giúp Việt Nam hoàn tất chuỗi FTA với các đối tác kinh tế, thương mại lớn, củng cố trạng thái cân bằng trong quan hệ kinh tế với các đối tác then chốt, giảm sự phụ thuộc vào một nền kinh tế nhất định.

Ngoài ra, việc thông qua EVFTA sẽ là tiền đề để EU thúc đẩy đàm phán FTA với các nước ASEAN cũng như FTA giữa EU-ASEAN. Quá trình đàm phán cho đến nay vẫn diễn ra thuận lợi.

Cùng nhận định, báo chí Đức tin rằng, chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam-châu Âu cũng như đẩy nhanh việc ký kết EVFTA giữa hai bên.

Theo báo Düsseldorf, một trong những trọng tâm chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là thảo luận với các đối tác châu Âu nhằm nhanh chóng hoàn tất đàm phán EVFTA, được cho là sẽ tạo ra những khuôn khổ thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam vào các nước EU cũng như đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam nói riêng và các nước ASEAN nói chung.

Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam sẽ giúp hai bên mở rộng thị trường mạnh mẽ, đồng thời giúp Việt Nam hội nhập tốt hơn vào thị trường thế giới.

Theo tờ Düsseldorf, một trong những trọng tâm chuyến công du EU của Thủ tướng Việt Nam ngoài mục tiêu hoàn tất EVFTA thì Việt Nam-EU cũng trao đổi về những căng thẳng hiện nay trên Biển Đông.

Như bài báo khẳng định, Việt Nam luôn theo đuổi một giải pháp hòa bình trên cơ sở Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Việt Nam mong muốn các bên liên quan sẽ thực thi Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) ràng buộc về pháp lý cũng như DOC.

Đài truyền hình Đức Deutsche Welle dẫn lời ông Martin Grossheim, chuyên gia phân tích các vấn đề Đông Nam Á tại Trường Đại học Passau - Đức cho rằng, Việt Nam không chỉ kỳ vọng vào những lợi ích kinh tế từ Hiệp định thương mại tự do mà còn mong muốn EU tham gia nhiều hơn nữa trong khu vực.

Ông Grossheim nhận định, khi hiệp định được ký kết, EU được kỳ vọng sẽ có một lập trường mạnh mẽ hơn đối với vấn đề Biển Đông.

Theo Chinhphu.vn
Bình luận
vtcnews.vn